Từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí đầu vào sản xuất của ngành chăn nuôi tăng cao, nhưng giá sản phẩm trên thị trường lên, xuống bấp bênh. Đặc biệt, ngay thời điểm này, giá thịt lợn hơi giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, góp phần ổn định thị trường dịp cuối năm.
Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam
Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Lê Xuân Huy, hiện tại, doanh nghiệp đưa ra thị trường khoảng 14.000 con lợn/ngày, giảm 30% so với các tháng trước đó. Giá lợn hơi bình quân hiện là 50.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.500 đồng/kg so với hơn một tháng trước. Với mức giá này, doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ có lãi chút ít, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần thua lỗ.
Nhiều hộ chăn nuôi tái đàn lợn từ tháng 6-2022 để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán nhưng nay đang trong tâm trạng thấp thỏm, bởi nếu giá lợn hơi không tăng trong những ngày tới thì một chu kỳ thua lỗ mới sẽ bắt đầu. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại ở xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) cho biết, với giá bán thịt lợn hơi như hiện nay là hơn 50.000 đồng/kg thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ 7.000-8.000 đồng/kg. Dự báo sẽ có thêm đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi mới vào cuối năm do giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, khiến người chăn nuôi càng thêm lo lắng.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng, năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường.
Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành chăn nuôi khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt lợn là 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả... Kể từ giai đoạn bình thường mới đến nay, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, gia tăng nguồn cung sản phẩm cho thị trường.
Cân đối cung cầu, duy trì tăng trưởng
Theo giới kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi, giá thịt lợn hơi đã có dấu hiệu chững lại, không còn giảm thêm nữa. Điều này cho thấy thị trường đang có sự điều tiết chờ tín hiệu để điều chỉnh tăng giá trở lại từ dịp Tết Dương lịch. Giá thịt lợn hơi hoàn toàn có thể tăng trở lại vì đây là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên đán.
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, với quy mô chuồng nuôi 300 con lợn, mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 30 tấn thịt lợn, 4-7 tấn giò, chả, xúc xích… Vào dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã có thể tăng 10-20% lượng sản phẩm thịt theo nhu cầu của thị trường. Hiện tại, hợp tác xã vừa sản xuất con giống, vừa nuôi lợn thương phẩm gối vụ, bảo đảm sản phẩm cung cấp liên tục theo các đơn hàng đã ký.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, bảo đảm duy trì tổng đàn, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo mật độ phù hợp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết thêm: Thúc đẩy công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao và phần mềm quản lý giống tiên tiến để đánh giá, chọn tạo giống cho năng suất, hiệu quả kinh tế.
Năm 2023, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5-6,0%; tổng sản lượng thịt các loại đạt 7-7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả... Cục Chăn nuôi đang phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm; lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết các vấn đề về giống, nguồn thức ăn và cải thiện môi trường chăn nuôi. Các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi… Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Cùng với đó, cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển bền vững và có nhiều sản phẩm thịt chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành chăn nuôi đã duy trì được nhịp độ tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông nghiệp nước nhà.
Theo Hà Nội Mới
Viết bình luận