Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Hội Chăn nuôi Việt Nam và Bộ NN-PTNT, lợn chăn nuôi tại các trang trại, gia trại quy mô lớn thuộc doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 60 - 70% tổng đầu lợn 28 triệu con của Việt Nam.
Lợn nuôi tại Dabaco và các doanh nghiệp lớn như C.P, Mavin, Masan, Hòa Phát đều được làm vacxin và tẩy giun sán định kỳ đầy đủ
Điểm chung của các trang trại, gia trại lớn này đều được nuôi trong chuồng kín, chuồng mát, tuân thủ nghiêm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đặc biệt là an toàn sinh học theo khuyến nghị của OIE và FAO.
NNVN xin được giới thiệu quy trình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Dabaco Việt Nam để người tiêu dùng có thể hình dung và yên tâm phần nào với sản phẩm thịt lợn mà gia đình mình đang sử dụng hàng ngày.
QUY TRÌNH AN TOÀN SINH HỌC ĐỐI VỚI TRẠI LỢN
Điều kiện quan trọng và đầu tiên của các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là phải nằm cách xa khu dân cư trong vùng quy hoạch, chắc chắn không có chuyện lợn với người ở sát nhau như chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Để đảm bảo an toàn sinh học, khu chăn nuôi phải cách xa khu lò mổ, bãi giác ít nhất 3km trở lên.
Bên cạnh đó, khu vực xây dựng trại phải có đủ nước phục vụ việc chăn nuôi quanh năm, thuận tiện đường ra vào cho ôtô 5 tấn lưu thông và thuận tiện đường nước thải, tránh gây ô nhiễm môi trường và người dân xung quanh.
Khi đã có mặt bằng đáp ứng đủ yêu cầu lập trại mới, khâu vệ sinh chuồng trại được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng. Đầu tiên là sát trùng chuồng nuôi, lối đi, khu vực xung quanh chuồng nuôi và xe cộ trước khi nhập lợn trước 3 - 4 ngày rồi để khô ráo, sạch sẽ. Ngâm, giặt dụng cụ thú y, bảo hộ lao động, xử lý nước uống.
Đối với chuồng đã qua sử dụng: Sau khi bán lợn (đóng chuồng) hót cám thừa trong máng cho lợn đang bán hoặc lợn lớn nhất ăn, dọn hết phân ở nền chuồng xuống máng nước và toàn bộ dụng cụ, chuồng trại vệ sinh sạch sẽ đến từng chi tiết, khử trùng đợi khô ráo, xong cách ly nhiều ngày trước khi vào đàn mới.
Với chuồng đang có lợn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại là việc làm bắt buộc hàng ngày của công ty. Phun sát trùng 2 - 3 lần một tuần, hoặc phun sát trùng hàng ngày nếu vùng chăn nuôi đang có dịch.
Đối với xe vận chuyển phải được rửa sạch sát trùng thật kỹ, để khô mới vận chuyển chuyến lợn tiếp theo. Với khu chăn nuôi, người ra vào trại phải qua nhà sát trùng, hạn chế sự đi lại giữa các chuồng trong trại và giữa các trại trong vùng lân cận.
Quần áo cán bộ, công nhân phải được giặt sát trùng, sau đó giặt bằng nước sạch hàng ngày. Tuân thủ lịch sát trùng và giữ vệ sinh sạch sẽ trong chuồng và trong trại chăn nuôi. Công nhân phải có đủ nhiều bộ quần áo bảo hộ lao động, ủng và dụng cụ chăn nuôi.
Riêng với khu bán lợn, sau khi bán lợn xong phải vệ sinh sạch sẽ khu vực cân đong, giao dịch và các khu lân cận. Phun sát trùng, rắc vôi sau khi vệ sinh xong, quét vôi quanh khu vực cầu cân, đường đuổi lợn để diệt trừ mầm bệnh tồn lưu.
QUY TRÌNH PHÒNG BỆNH TRONG CÁC GIAI ĐOẠN NUÔI LỢN
Đặc biệt, trong giai đoạn lợn đến trọng lượng khoảng 30 - 40kg tiến hành tẩy giun sán để loại trừ ký sinh trùng có trong lợn để đảm bảo lợn khỏe mạnh và cho khả năng tăng trưởng tốt nhất nên chắc chắn lợn nuôi theo quy trình công nghiệp gần như không có giun sán.
Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Dabaco Việt Nam
Khi lợn tại hệ thống trại đạt trọng lượng 100 - 110kg đạt yêu cầu xuất bản, chủ trại sẽ báo cáo Chi cục Chăn nuôi Thú y tại các tỉnh tới lấy mẫu máu xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng và một số loại bệnh khác, gửi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương hoặc tại các Phòng phân tích trực thuộc Chi cục Thú y vùng.
Sau khoảng 1 đến 2 ngày khi có kết quả xét nghiệm xác nhận lợn an toàn, cán bộ thú y địa phương sẽ tới giám sát quá trình cân và chuyển lợn lên xe, niêm phong kẹp chì, cấp giấy kiểm dịch và lợn được vận chuyển thẳng đến các lò mổ công nghiệp để giết mổ, sau đó lợn móc hàm được thương lái, bán lẻ vận chuyển tới các chợ truyền thống và cửa hàng siêu thị.
Với quy trình chăn nuôi, giám sát, giết mổ nghiêm ngặt, tuân thủ an toàn sinh học của Tập đoàn Dabaco Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp khác như C.P, Mavin, Masan, Hòa Phát nói chung, người tiêu dùng hoàn toàn đủ cơ sở khoa học để yên tâm với sản phẩm thịt lợn bày bán trên thị trường hiện tại.
Viết bình luận