Có mặt tại Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, sau hơn 20 năm đầu tư, công ty C.P làm tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp. Bằng hình thức chăn nuôi khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn kết hợp với với kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, C.P là doanh nghiệp ở Việt Nam mang đến lợi ích cho hàng trăm ngàn người chăn nuôi thông qua các mối liên kết kinh tế bền vững.
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam
Đánh giá về sự đóng góp của C.P cho nền chăn nuôi Việt Nam, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam nói: “Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CPV) là thành viên của tập đoàn CP Thái Lan (CPF), tiếp thu toàn bộ khoa học công nghệ và kinh nghiệm của CPF trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất thức ăn chăn nuôi và tổ chức chăn nuôi theo hình thức gia công. CPF đứng số một thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi. Tại Việt Nam, CPV là công ty số một về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TACN)”. Hiện tại, CPV có 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sơ chế bắp với tổng công suất thiết kế sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản là 3,8 triệu tấn/ năm. Sau khi đầu tư xây dựng nhà máy TACN đầu tiên tại Biên Hòa năm 1993, CPV hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi Việt Nam để nâng cao năng suất chăn nuôi, đồng thời tổ chức hoạt động chăn nuôi gia công với người dân Việt Nam với những mô hình mẫu áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật chăn nuôi, tạo động lực phát triển nhanh ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt khu vực Đông Nam bộ.
Phóng viên (PV):Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, thị phần của CPV ngày càng mở rộng, tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng việc tăng thị phần cũng đồng nghĩa với việc xung đột lợi ích với người chăn nuôi nhỏ lẻ. CPV giải thích như thế nào về điều này?
Việt Nam đạt thành tựu rất lớn trong ngành chăn nuôi, trong đó phải kể đến vai trò đóng góp của khu vực trang trại. Xu thế chuyển dịch sang chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp vẫn còn tiếp tục tại Việt Nam trong những năm tới để cung cấp đủ thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này phải đúng nhịp với quá trình chuyển đổi kinh tế và chuyển dịch lao động giữa các ngành công, nông nghiệp cũng như giữa các khu vực nông thôn và thành thị. CPV có mặt tại Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, chúng tôi đã là tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp, được người chăn nuôi nhiệt tình ủng hộ. Trong những năm qua, hoạt động chăn nuôi của CPV thực hiện theo ba hình thức: gia công, thuê trại và hợp đồng bảo lãnh giá, trong đó chủ thể trang trại là nông dân Việt Nam. CPV khuyến khích và hỗ trợ nông dân để họ tự độc lập trong hoạt động sản xuất kinh doanh chăn nuôi và trở thành khách hàng của CPV trong tương lai. Với hình thức liên kết chăn nuôi, CPV cùng với nông dân thiết lập hơn 3.000 trang trại, đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 400.000 lao động trên khắp cả nước. Do vậy, không có thể nói sự phát triển của CPV xung đột về lợi ích với người sản xuất nhỏ.
PV: Các dự án của CPV như chăn nuôi gia công, nhà máy thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm, đặc biệt là khu nuôi tôm, cá tra và nhà máy chế biến thủy sản mang lại lợi ích như thế nào cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng nói riêng và lợi ích người dân địa phương nói chung?
Tất cả đầu tư của CPV về chăn nuôi đều thực hiện ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tận dung đất đai và nguồn lao động của địa phương. Chăn nuôi gắn liền với trồng trọt để sử dụng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất đai. Hiện tại, CPV có hơn 13.000 lao động là người Việt Nam và hàng trăm nghìn người dân đang tham gia trong chuỗi giá trị của hệ thống sản xuất: thức ăn chăn nuôi - trại chăn nuôi – chế biến thực phẩm. Dự án vừa mới đưa vào sản xuất trong năm nay là nhà máy chế biến tôm đông lạnh tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Đây là nhà máy có nhiều tiềm năng trong chế biến tôm xuất khẩu có chất lượng khác biệt, bởi vì đặc điểm sinh thái khu vực này có nhiều ưu thế đã từng tạo ra sản phẩm tôm chua Huế nổi tiếng. Việc xây dựng nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Huế tạo ra cơ hội mới cho người dân khu vực này phát triển nghề nuôi tôm.
PV: Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường đầu ra, sản phẩm kém cạnh tranh với hàng ngoại, nhất là trong bối cảnh VN sắp tham gia TPP. Theo ông, ngành chăn nuôi, nhất là bản thân người chăn nuôi VN cần phải thay đổi những gì để có thể tồn tại trước những thách thức như vậy?
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi chăn nuôi, có sự đan xen giữa nhiều quy mô sản xuất khác nhau cùng tồn tại, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ là loại hình khó kiểm soát về dịch bệnh và giá cả thị trường. Chăn nuôi nhỏ thường mang tính tự phát, tăng giảm theo giá cả thị trường và thường nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Việc chuyển đổi sang quy mô lớn có kiểm soát là tất yếu nhưng đòi hỏi quá trình trong đó thị trường, dịch bệnh là những yếu tố tác động mạnh. Mức chuyển đổi hàng năm 15-20% sang chăn nuôi lớn là hợp lý, tuy nhiên nếu ở mức trên 30% sẽ gây tổn thương đến sản xuất nhỏ của nông dân. Công ty C.P Việt Nam cam kết sẽ cùng nông dân chuyển đổi sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, hiện đại và bền vững để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
PV: Với những khó khăn như vậy, xin ông cho biết định hướng phát triển của C.P tại Việt Nam trong những năm tới là gì?
Trong những năm qua C.P. đã phát triển tốt ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi công nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm và tiếp tục chuỗi giá trị về phân phối. Hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm của CPV đều có phần tham gia của nông dân Việt Nam dưới các hình thức khác nhau. CPV đang thực hiện dự án nhượng quyền thương hiệu Five Star (Năm Sao) về phân phối và bán lẻ thực phẩm chế biến của mình. Hiện chúng tôi đã đầu tư hàng loạt nhà máy chế biến thực phẩm như xúc xích heo, gà, giò, chả, lạp xưởng…chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ từng bước thay đổi chiến lược để tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nên sắp tới, CPV xác định xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm gắn liền với các nhà máy thức ăn, chăn nuôi gia công nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu heo, gà, trứng…Và chúng tôi cũng xác định sẽ tập trung vào phân khúc thị trường các tỉnh chứ không chỉ dựa vào một số thành phố, đô thị lớn vì dù sao, với quy trình khép kín, sản phẩm của CPV có lợi thế giá rẻ, giúp người tiêu dùng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa cải thiện cuộc sống.
Theo Báo Nhân dân
Viết bình luận