Câu chuyện

Thiên đường ẩm thực của Việt Nam: Cả Tây và ta đều "mê đắm"

Thiên đường ẩm thực của Việt Nam: Cả Tây và ta đều

Sau khi thu hút nhiều chuyên gia ẩm thực nổi tiếng thế giới, giờ đây Hội An đã trở thành thủ phủ mới của ẩm thực Việt Nam.

Tới Hội An giờ đây, ngoài việc chiêm ngưỡng di sản văn hóa phố cổ được UNESCO công nhận, du khách còn muốn khám phá nét độc đáo, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực. Những món ăn nổi tiếng phố Hội như cao lầu, mì quảng, cơm gà, bánh đập hến xào, bánh ướt thịt nướng, bánh bèo, chè bắp và gần đây nhất là bánh mì... luôn được du khách ưa chuộng.

Khách du lịch xếp hàng mua bánh mì ở Hội An.

Từng là một cảng thị nổi tiếng trong quá khứ, là nơi dừng chân và sinh sống của người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật, Tàu, Pháp… văn hóa ẩm thực của Hội An cũng có tính giao thoa rất lớn.

Ông Thomas A.Gugler, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp thế giới đã hết lời ngợi khen về ẩm thực Hội An, trong đó ông thật sự ấn tượng với món Cao lầu. Theo ông, trong món ăn này có tổng hợp văn hóa của nhiều nước. Sợi mì hơi giống mì Udon của người Nhật Bản, thịt xá xíu có hương vị rất giống với Trung Quốc, hòa quyện với vị thơm của rau Trà Quế của Hội An tạo nên sự hài hòa của món ăn.

Chính vì vậy, ẩm thực của Hội An được tất cả các nền văn hóa chấp nhận một cách dễ dàng. Người Nhật cũng thấy một chút của họ, người Tàu cũng thấy một chút của họ, người Châu Âu cũng thấy một chút của họ.

Tuy có nguồn gốc từ châu Âu, nhưng món bánh mì Hội An giờ đã trở thành thương hiệu món ăn Việt nổi tiếng thế giới. Từ chiếc bánh mì baguette của Pháp, người Hội An đã thêm vào rất nhiều hương vị bản địa như ruốc bông, giò lụa, rau thơm, nước sốt... để rồi nó trở thành món ăn được nhiều người lựa chọn trong danh sách cần thưởng thức khi tới Hội An.


Chính vì sự phong phú của ẩm thực Hội An mà Hiệp hội Đầu bếp Thế giới đã chọn đô thị cổ này tổ chức Hội thi Đầu bếp thế giới hàng năm. Ông Thomas cho rằng, Hội An có nhiều lợi thế để quảng bá du lịch nhưng ẩm thực nên là ưu tiên số 1.

"Hội An cần rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất là bảo tồn được văn hóa, truyền thống. Thứ hai là cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp và được sắp xếp một cách khoa học hơn, tinh tế hơn và sạch sẽ hơn.

Ẩm thực Hội An có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa.

Về ẩm thực thì Hội An mới đáp ứng được thị trường nhỏ và vừa. Còn để đáp ứng được thị trường cao cấp thì rất nhiều thứ cần phải làm. Đặc biệt phải đào tạo mang tính chuyên nghiệp hơn và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu"- ông Thomas cho biết.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, nghệ thuật ẩm thực chứa những giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi của điểm đến, góp phần gia tăng đáng kể giá trị chuyến đi, vì thế ẩm thực luôn tồn tại song hành cùng với ngành du lịch Hội An. Ông Sơn cho biết, sắp tới, Hội An sẽ tập trung phát triển văn hóa ẩm thực trở thành một sản phẩm độc đáo để thu hút du khách.

"Sắp tới Hội An phải quy được đầu mối về nguồn nguyên liệu. Tất cả nguồn nguyên liệu phải đảm bảo sạch, tươi và phải xác định được nguồn gốc. Do đó, chúng tôi đang hình thành Hiệp hội Đầu bếp của Hội An, từ đó kết nối với hiệp hội của ngư dân đánh cá và người trồng rau, nuôi gà, nuôi heo... để giảm bớt khâu trung gian, giúp cho người nông dân có thể bán được sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người chế biến, chứ không phải qua khâu trung gian" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Mong rằng, nếu có sự quan tâm và đầu tư thích đáng, ẩm thực Hội An sẽ có thể trở thành đại diện cho món ăn Việt ngày càng nổi tiếng trên toàn thế giới.


*Báo: Đời sống & Pháp luật

Đang xem: Thiên đường ẩm thực của Việt Nam: Cả Tây và ta đều "mê đắm"

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng