Câu chuyện

"Ông trùm" chăn nuôi Thái Lan C.P chi gần 500 tỷ thành cổ đông Sao Ta

C.P Việt Nam chi gần 500 tỷ mua vào hơn 9,7 triệu cổ phiếu trong 2 phiên giao dịch, tương đương sở hữu 16,56% vốn của Thực phẩm Sao Ta.

Cổ đông nội liên tục thoái vốn 

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa có thông báo trở thành cổ đông của CTCP Thực phẩm Sao Ta (MCK: FMC).

Cụ thể, trong hai ngày 11-12/10, C.P Việt Nam đã mua lần lượt 4,35 triệu cổ phiếu và 5,4 triệu cổ phiếu FMC, để sở hữu 16,56% vốn của Thực phẩm Sao Ta – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN (MCK: PAN). Trước giao dịch, tổ chức này không nắm giữ cổ phần. 

Hai phiên giao dịch trên cũng xuất hiện giao dịch thỏa thuận với số lượng cổ phiếu tương đương, giá trị lần lượt 217 tỷ đồng và 270 tỷ đồng, ứng với 50.000 đồng/CP. 

Cùng ngày 12/10, Tập đoàn PAN cũng đã bán 5,4 triệu FMC, giảm sở hữu xuống 24,7 triệu cổ phiếu, tương đương 41,95% vốn. 

Sau khi bán 5,4 triệu cổ phiếu, PAN không còn sở hữu trên 50% tại Thực phẩm Sao Ta nhưng vẫn là công ty mẹ của công ty này. Bởi, một thành viên khác thuộc PAN Group là Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) sở hữu 13,75% vốn FMC. Do đó, tỉ lệ sở hữu của nhóm PAN Group trên 55,7%.

Vùng nuôi tôm của Thực phẩm Sao Ta.

Ngoài PAN, các cổ đông khác tại Sao Ta cũng liên lục đăng ký và hoàn tất bán cổ phiếu FMC. Theo đó, ngày 8/10, bà Triệu Mai Lan, vợ ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Sao Ta hoàn tất bán 150.000 cổ phiếu trong tổng số 204.588 cổ phiếu đang nắm giữ, theo phương thức khớp lệnh.

Đến ngày 11/10, Sao Ta báo cáo có 6 giao dịch với tổng số lượng 592.990 cổ phiếu FMC được bán ra theo phương thức thỏa thuận.

Cụ thể, ông Tô Minh Chẳng, kế toán trưởng Sao Ta bán 180.000 cổ phiếu FMC và chỉ còn nắm 8.764 cổ phiếu.

Ông Đinh Văn Thới, Phó tổng giám đốc Sao Ta bán 50.000 cổ phiếu. Bà Lưu Nguyễn Trúc Dung, Trưởng ban kiểm soát bán 23.990 cổ phiếu.

Bà Dương Ngọc Kim, vợ ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT bán 245.100 cổ phiếu và bà Hồ Hoa Đông, con gái ông Hồ Quốc Lực bán 60.000 cổ phiếu

Bà Nguyễn Như Diễm Quỳnh, vợ ông Đinh Văn Thới, Phó tổng giám đốc Sao Ta bán 33.900 cổ phiếu.

Kết phiên 13/10, thị giá FMC ở mức 50.000 đồng/cp, giảm 1% so với tham chiếu, tăng hơn 60% trong 3 tháng qua. 

Sao Ta kinh doanh ra sao?

Sao Ta có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu tổng hợp Sóc Trăng, hoạt động từ tháng 2/1996.

Vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 21 tỷ đồng lúc mới thành lập lên hơn 490,4 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021.

Sao Ta có 2 mảng sản xuất kinh doanh chính là tôm đông lạnh và nông sản xuất khẩu. Công ty có 2 xí nghiệp nuôi thủy sản và 4 nhà máy chế biến đang hoạt động ở Sóc Trăng đồng thời đang xây dựng hai nhà máy mới với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Trong giai đoạn 2021-2025, Sao Ta có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất chiều rộng lẫn chiều sâu, mở rộng chủng loại sản phẩm với giá cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng vùng nuôi lên 270 ha để tăng cạnh tranh và chủ động nguồn nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc. 

Trong tháng 11/2021, Sao Ta sẽ tổ chức họp thông qua phương án huy động vốn năm nay và thông qua việc điều chỉnh chi tiết một số ngành nghề trong lĩnh vực kinh doanh hiện tại.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu Sao Ta tăng trưởng đều đặn từ mức 3.262 tỷ đồng năm 2017 lên 4.433 tỷ đồng năm 2020, lợi nhuận gần gấp đôi sau 4 năm, từ 122 tỷ lên 226 tỷ đồng. 

Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp tôm tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan khi doanh thu đạt 2.129 tỷ đồng, tăng 31%; lãi sau thuế 113 tỷ đồng, tăng 23%.

Trong năm 2021, doanh nghiệp trình cổ đông kế hoạch tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2021, Sao Ta đã thực hiện được 46% doanh thu.

Đáng chú ý, tổng tài sản Sao Ta tăng gần gấp rưỡi trong 6 tháng đầu năm nay, từ 1.711 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 765 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản.

Về phía C.P Việt Nam, doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chăn nuôi heo, gia cầm và sản xuất thực phẩm. 

C.P Việt Nam hiện có 4 nhà máy thức ăn thủy sản, 14 trại nuôi tôm và 2 nhà máy chế biến thủy sản.

 Theo Người đưa tin

Đang xem: "Ông trùm" chăn nuôi Thái Lan C.P chi gần 500 tỷ thành cổ đông Sao Ta

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng