Câu chuyện

Kỹ sư môi trường bỏ phố về quê nuôi tôm

Kỹ sư môi trường bỏ phố về quê nuôi tôm

Tốt nghiệp ngành Công nghệ môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, sau đó làm kỹ sư môi trường cho một số doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị nhưng anh Trần Văn Dụng (sinh năm 1985), trú tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, đã từ bỏ công việc ở phố để về quê nuôi tôm. Nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên mô hình nuôi tôm CPFCombine 3 giai đoạn của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của anh Dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Nuôi tôm 3 giai đoạn lãi 1 tỉ đồng/vụ

Ngày 12/10/2023, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương và tặng quà cho anh Trần Văn Dụng. Mô hình nuôi tôm CPFCombine 3 giai đoạn của gia đình anh Dụng do công ty này hoàn thiện và chuyển giao công nghệ.

Trong vụ nuôi thứ 2 (kết thúc vào tháng 8/2023), anh Dụng thu hoạch được khoảng 10 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ đạt 20 con/kg, lãi ròng trên 1 tỉ đồng.

Với thành tích này, anh được công ty tuyên dương, tặng 1 chiếc xe mô tô Honda Future trị giá gần 40 triệu đồng cùng 5 vạn con tôm giống và nhiều phần quà là sản phẩm của công ty. Sau khi nhận được thông tin này từ Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng, tôi lập tức tìm về cơ sở nuôi tôm của anh Dụng để “mục sở thị”...

Cơ sở nuôi tôm của anh Dụng nằm trên thửa đất rộng 2,5 ha. Mặc dù cách đây vài năm đã có dịp mục kích một cơ sở nuôi tôm 3 giai đoạn tại huyện Gio Linh nhưng nếu không được anh Dụng giới thiệu thì tôi khó có thể hình dung ra cơ sở của anh có quy mô lớn, đầu tư xây dựng bài bản như vậy. Các hồ lắng thô, hồ sẵn sàng, hồ nuôi tôm 3 giai đoạn cũng như hệ thống xử lý nước được thiết kế rất khoa học.

Dẫn tôi tham quan một vòng quanh cơ sở, anh Dụng kể: “Năm 2009, tôi tốt nghiệp rồi làm kỹ sư môi trường cho một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi về quê làm việc tại Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ - thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Lúc bấy giờ, gia đình tôi có 12 hồ nuôi tôm sú, thẻ chân trắng với diện tích 5 ha, đang cần người hỗ trợ để mở rộng diện tích nên vào đầu năm 2010, tôi nghỉ việc về phụ giúp gia đình”.

Sau một thời gian tìm hiểu, đầu năm 2022, anh Dụng quyết định chuyển từ phương thức nuôi tôm truyền thống sang mô hình nuôi tôm CPFCombine 3 giai đoạn do Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng và chuyển giao. Trên quỹ đất 2,5 ha, anh bố trí 4 ao nuôi thương phẩm theo dạng ao nổi với tổng diện tích khoảng 4.000 m2 , còn lại là hồ xử lý nước thải, hồ chứa lắng và hệ thống xử lý nước.

Toàn bộ các ao nuôi đều có dạng hình tròn, được lót bạt và trang bị mái che nhằm đảm bảo môi trường nước tối ưu nhất, không phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống sục khí được lắp đặt đồng bộ, khoa học và hoạt động liên tục để vừa cung cấp đủ ô xy cho tôm, vừa thu gom chất thải trong ao nuôi vào hệ thống xử lý. Quy trình nuôi tôm được thực hiện chặt chẽ với 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có một cách thực hiện khác nhau, kéo dài từ 20 - 30 ngày.

Hệ thống sục khí được lắp đặt đồng bộ, khoa học và hoạt động liên tục để vừa cung cấp đủ ô xy cho tôm, vừa thu gom chất thải trong ao nuôi vào hệ thống xử lý - Ảnh: TRẦN TUYỀN

“Tôi vừa nuôi, vừa xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến đầu năm nay công trình mới hoàn thiện với tổng chi phí đầu tư khoảng 2,5 tỉ đồng. Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của tôi mỗi năm nuôi 3 vụ, 1 vụ kéo dài từ 3 - 4 tháng.

Riêng vụ thứ 2 năm nay, tôi nuôi 20 vạn con giống. Sau gần 120 ngày nuôi, tôi thu được khoảng 10 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ khoảng 20 con/kg. Sau khi trừ các chi phí, tôi lãi được trên 1 tỉ đồng. Vụ thứ 3 vừa kết thúc vào tháng 9 vừa qua.

Trong vụ này, tôi nuôi 10 vạn con giống. Để tránh mưa bão, tôi rút ngắn thời gian nuôi còn lại khoảng 80 ngày là thu hoạch nên tôm có kích thước nhỏ hơn so với những vụ trước. Với khoảng 3,5 tấn tôm thương phẩm, tôi thu lãi khoảng 350 triệu đồng”, anh Dụng cho hay.

Theo anh Dụng, mô hình nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng hiệu quả cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Ưu điểm của mô hình CPF Combine là người nuôi dễ dàng kiểm soát các yếu tố về môi trường, nguồn nước vì có hệ thống xử lý nước hiện đại. Lượng thức ăn dư thừa và lượng tôm hao hụt cũng dễ theo dõi.

Các ao nuôi đều được lót bạt, có mái che và hệ thống cung cấp ô xy nên môi trường ao nuôi trong từng giai đoạn nuôi luôn ổn định, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao sức khỏe và tỉ lệ sống của tôm, giúp tôm lớn nhanh.

Quy trình nuôi 3 giai đoạn giúp xoay vụ nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm so với cách làm truyền thống trước đây. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại khoáng chất, chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh.

Con giống, thức ăn và các loại chế phẩm sinh học do Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp. Còn đầu ra thì anh Dụng có mối liên kết với các thương lái ở khu vực miền Bắc nên cơ bản ổn định.

Gia đình có 2 thế hệ nuôi tôm

Không phải ngẫu nhiên mà anh Dụng nuôi tôm thành công như vậy. Ngoài kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình học tập, sản xuất, cộng thêm khoa học công nghệ hỗ trợ thì điều kiện quan trọng là gia đình anh có nền tảng khá vững trong nghề nuôi tôm. Ông Trần Văn Lưu, bố của anh Dụng nuôi tôm từ năm 1998, là một trong những người đầu tiên nuôi tôm sú ở huyện Vĩnh Linh. “Bố tôi trước đây là sĩ quan quân đội.

Thời gian công tác trong quân ngũ, được đi đến nhiều nơi, thấy nhiều người nuôi tôm sú đạt hiệu quả kinh tế cao nên ông ấp ủ sau này sẽ đưa mô hình này về quê nhà thử nghiệm. Vì vậy, sau khi giải ngũ về quê, ông đầu tư làm hồ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình nuôi, ông tích lũy vốn, mua thêm đất của các hộ dân trong thôn để mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, gia đình tôi có 3 khu nuôi tôm. Trong đó, bố, anh trai và tôi mỗi người một khu nuôi”, anh Dụng chia sẻ.

Có một điều thú vị là anh Trần Văn Thông, anh trai của anh Dụng cũng là kỹ sư. Anh Thông tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang năm 2006. Sau khi ra trường, anh về quê nuôi tôm cùng với bố. Hiện nay, tuổi đã cao nên bố của anh Dụng giao lại phần nhiều công việc cho các con, chỉ giữ lại một diện tích nhỏ để nuôi tôm.

Ông Lưu hiện có 3 hồ nuôi tôm với diện tích 1,5 ha. Anh Thông có 9 hồ nuôi tôm với diện tích 3 ha. Anh Dụng có 4 hồ nuôi với diện tích 2,5 ha. Trong đó, chỉ có anh Dụng là đầu tư chuyển đổi sang nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn. Gia đình anh Dụng tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Được biết, trên địa bàn xã Vĩnh Sơn có một hộ khác cũng nuôi tôm theo mô hình 3 giai đoạn nhưng chưa đạt hiệu quả kinh tế cao như gia đình anh Dụng.

Ngày 12/10/2023, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương và tặng quà cho anh Trần Văn Dụng - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết, toàn xã có khoảng 166,1 ha, với tổng số 447 hộ nuôi tôm, trong đó tôm sú 40 ha, tôm thẻ chân trắng 126,1 ha. Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước từ các nhánh sông bị ô nhiễm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ nuôi tôm trong xã.

Đáng chú ý, trên 150 ha của 396 hộ nuôi tôm, thuộc 4 hợp tác xã có tôm bị chết. Trong khi đó, những hồ nuôi tôm của 3 bố con anh Dụng thì vẫn an toàn và đạt hiệu quả cao, chỉ bị ảnh hưởng rất ít bởi dịch bệnh.

 Theo baoquangtri.vn

Đang xem: Kỹ sư môi trường bỏ phố về quê nuôi tôm

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng