Những bữa cơm cuối tuần trong những ngày se lạnh luôn làm những người sống trong thành phố bận rộn này mong muốn được quay về nhà để quây quần bên mâm cơm gia đình. Đây cũng là dịp sum họp của mọi thành viên, một bữa cơm sẻ chia những câu chuyện vui buồn và làm sự bận rộn của cả một tuần dường như tạm ngưng bên ngoài khung cửa.
Khói bếp với mùi thức ăn lan tỏa ra trong cái lạnh đầu đông, khiến ai cũng nôn nao chờ đợi một bữa ăn gia đình ấm áp. Bữa cơm quê không có sự phân biệt giữa ngày thường và cuối tuần vì bữa nào cũng mộc mạc và mọi người đã quen dần với hình ảnh nồi cơm trắng bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi gạo, cùng những món ăn dung dị như: cá kho mặn, canh rau tập tàng hoặc món rau luộc ăn chung với mắm hay kho quẹt. Đơn giản thế thôi, người ngồi đầu nồi xới cơm không ngừng, những câu chuyện rôm rả cứ lan tỏa dần trong mái nhà tranh. Những bữa cơm như thế đã nuôi lớn biết bao con người và tạo nên một miền ký ức sống động và khó phai.
Có lẽ cái duyên của người mẹ quê phần nào được thể hiện qua tài chế biến những món ăn ngon từ những nguyên liệu bình dị. Trong cái se lạnh của mùa đông không ai có thể cầm lòng trước mâm cơm bốc khói thơm nức mùi cá cơm khô kho mặn, một đĩa ngọn rau lang luộc xanh mướt chấm mắm nêm cùng với tô canh khoai mỡ nấu với tôm khô giã nhỏ được trang trí với chút rau ngò gai. Thế mới biết, hạnh phúc và sự đầm ấm đôi khi chỉ đến từ những điều giản dị.
Trong những ngày này, bạn cũng không nên bỏ qua một mâm cơm đơn giản với cá khô nướng và xoài xanh trộn. Cá khô, thường là cá chỉ vàng hay cá sặc, được nướng vàng cả hai mặt, đến khi nức cả một gian bếp, sau đó xé nhỏ; xoài xanh được xắt mỏng, thêm một quả dưa leo, vài cọng rau thơm, rau răm xắt sợi nhuyễn, một ít đậu phộng rang, thêm chén mắm me với ớt tỏi cay xé lưỡi, tất cả hỗn hợp được trộn đều tạo nên một món ngon khó tả.
Xã hội ngày càng phát triển, bữa cơm gia đình bị thu hẹp dần thành bữa cơm cuối tuần, dịp hiếm hoi mà tất cả đều có thể sum vầy. Mẹ có nhiều thời gian dành cho nấu nướng, món ăn đa dạng, được trang trí cầu kỳ, bắt mắt hơn và đôi khi có cả những món được du nhập từ các nước châu Á, châu Âu. Đó có thể là gà nướng mật ong, cá bống chưng tương, vịt quay, bò hầm, cua xào sa tế, canh hải sản, các món súp, các loại rau trộn theo nhiều kiểu và những món tráng miệng ngọt ngào...
Khác biệt hơn là những hôm cả nhà cùng ra ngoài, đến những nhà hàng, quán ăn tùy thích để dùng bữa cuối tuần. Trong không gian ấm cúng, cả nhà sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, lạ và vẫn rôm rả những câu chuyện vui buồn trong tình thân yêu thương của một mái ấm.
Người Việt ăn cơm theo mâm với ý nghĩa thể hiện tính đoàn kết, luôn thương yêu, san sẻ ngọt bùi. Trong mâm cơm truyền thống không bao giờ thiếu cơm trắng (được nấu từ gạo tẻ) và các loại rau, ngoài ra một chén nước mắm làm từ cá cũng là một nét đặc trưng rất riêng mà chỉ ở Việt Nam mới có. Trong mỗi bữa cơm, mời cơm là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Người nhỏ tuổi, trước khi ăn miếng cơm đầu tiên đều phải mời những người lớn tuổi, để tỏ lòng biết ơn và thể hiện sự kính trọng. |
Viết bình luận