Tết là dịp để gia đình sum họp, con cháu thể hiện lòng thành kính tri ân, để vui vẻ hưởng thụ sau một năm làm việc vất vả và nguyện ước cho năm mới suôn sẻ, hạnh phúc, thành công. Tất cả những ý nghĩa này được thể hiện qua nhiều phương diện như cách trang trí, sắp xếp nhà cửa, phong tục đi cha, xin xăm đầu năm… và thể hiện qua cả ẩm thực. Có lẽ vì vậy mà người Việt ta xưa nay thường gọi là ăn Tết, hiếm ai lại gọi là lễ Tết. Mâm cỗ ẩm thực Việt Nam ngày Tết chính vì thế không chỉ đơn thuần là những món ăn, đồ uống mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa tâm linh mang đậm nét truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Ẩm thực Tết Việt – Đa dạng trong sự thống nhất
Văn hóa Việt Nam vốn được biết đến là có sự đa dạng giữa các dân tộc anh em, giữa các vùng miền với nhau. Ẩm thực ngày Tết cũng vậy. Nhưng đó là sự đa dạng trong thống nhất, tức dù có nhiều cách thể hiện khác nhau, những món ăn khác nhau, cách chế biến cũng có thể không giống nhau, song đều hướng về những giá trị văn hóa truyền thống chung của đất nước.
Dọc miền Tổ quốc những ngày Tết, không khó để chúng ta bắt gặp những bức tranh ẩm thực khác nhau giữa 3 miền Nam – Trung – Bắc. Mâm cỗ đầu năm của miền Bắc được được bày biện khá thịnh soạn với rất nhiều món ăn như thịt đông, gà luộc, giò lụa, chả quế, bánh chưng, canh măng… Miền Trung không thể thiếu dưa món, bánh tổ, bánh tét, chả bò, thịt heo ngâm mắm… Miền Nam cũng có không ít những món ăn đặc sắc như canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho nước dừa, dưa giá, củ kiệu, lạp xưởng… Sự khác nhau này xuất phát từ văn hóa vùng miền và những yếu tố khách quan liên quan đến địa lý, khí hậu, đặc sản địa phương…
Dẫu có nhiều khác biệt, song ẩm thực ngày Tết của người Việt vẫn có sự thống nhất. Chẳng hạn, màu xanh và màu đỏ được chọn làm màu sắc chủ đạo vì tượng trưng cho may mắn, tài lộc; mâm cỗ thường nhất quán có 4 đĩa – 4 món hoặc 6 đến 8 đĩa – 8 món tượng trưng cho bốn mùa hoặc vạn lộc, ngăn chặn những điềm không may trong năm mới. Nhìn chung, mâm cơm ngày Tết của người Việt chính là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy và thể hiện cả tấm lòng thành kính mà con cháu muốn tri ân, dâng lên ông bà, tổ tiên của mình.
Ở Việt Nam, cứ “thấy bánh chưng là thấy Tết”
Sự thống nhất trong ẩm thực ngày Tết Việt Nam còn được thể hiện ở sự tuân thủ các quy luật theo thế giới quan của người phương Đông mà rõ nét nhất là ở cách bài trí mâm ngũ quả. Ngũ quả tượng trưng cho Ngũ hành, thể hiện mong muốn của gia chủ về một cuộc sống ấm cúng, sung túc, thuận theo tự nhiên, hợp lý với quy luật của đất trời. Ngoài ra, rất nhiều món ăn ngày Tết của người Việt còn gắn với những sự tích, truyền thuyết ý nghĩa, thể hiện nét văn hóa truyền thống dân gian lâu đời của nhân dân ta.
Ý nghĩa những món ăn đặc sắc ngày Tết của người Việt Nam
Bánh chưng: Gắn với sự tích chàng Lang Liêu làm nên bánh chưng – bánh giày dâng lên vua Hùng. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho sự vuông vức, an lành của đất; bánh làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh được gói ghém vào nhau… Đây đều là những tinh hoa trong văn hóa nông nghiệp lúa nước của nước ta từ xa xưa, tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Thịt đông: Sự hòa quyện của các nguyên liệu thể hiện mong muốn gắn kết giữa mọi người với nhau, lớp thạch trong trẻo cũng mang ý nghĩa về một năm mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
Giò chả: Miếng giò tròn, dày tượng trưng cho phúc lộc đến nhà.
Món giò thủ rất quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết
Thịt gà luộc: Tượng trưng cho khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy.
Thịt kho: Miếng thịt vuông vức tượng trưng cho mọi sự đều dễ dàng thành công.
Canh măng: Măng là loại cây quen thuộc và gắn với nhiều sự tích của người Việt, vì thế canh măng cũng là một món ăn mang đậm linh hồn của dân tộc Việt Nam.
Tré: Với người miền Trung mà đặc biệt là Quảng Nam, Đà Nẵng, tré là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Người ta có rằng, ăn tré sẽ giúp bầu không khi gia đình thêm ấm cúng và sum vầy.
Canh khổ qua: Tết miền Nam không thể thiếu canh khổ qua. Canh khổ là món ăn mà người miền Nam cho rằng sẽ giúp họ đưa tiễn những muộn phiền trong năm cũ, chào đón năm mới vạn sự như ý.
Dưa kiệu: Trong gia đình người Việt mỗi khi Tết đến không thể nào thiếu dưa kiệu ngâm. Theo quan niệm truyền thống, dưa kiệu tượng trưng cho tiền bạc, vinh hoa phú quý sẽ đến trong năm mới.
Ẩm thực Việt Nam ngày Tết còn rất nhiều món ăn khác và mỗi món ăn đều gắn với những ý nghĩa nhất định. Tất cả đều hướng đến ước nguyện cho những muộn phiền, những điều chưa hay trong năm cũ sẽ nhanh chóng qua đi để bắt đầu một năm mới an khang, thịnh vượng.
Ẩm thực Việt cứ ngỡ là quen nhưng hóa ra lại thật lạ – lạ vì vẫn còn nhiều điều mới mẻ, nhiều kiến thức thú vị đang chờ chúng ta khám phá. Với mỗi đầu bếp Việt, phục vụ món ăn không chỉ là phục vụ hương vị mà còn là giới thiệu những nét đẹp văn hóa đến với thực khách, đặc biệt là đối với những món ăn mang đậm nét truyền thống như món ăn việt ngày Tết. Vì thế, hiểu biết về ý nghĩa, văn hóa ẩm thực của từng món ăn là một lợi thế lớn giúp người đầu bếp chế biến món ăn đúng tinh thần và đậm đà hơn.
Viết bình luận