Tết này bạn ăn gì, mua sắm gì, đi du xuân những đâu, cúng kiếng các cụ, nấu nướng, bài trí hoa trái, mâm quả thế nào? Cảm giác rạo rực và chộn rộn này, chỉ độ trước Tết mới có. Với người này là lo lắng áp lực, nhưng với người kia, lại là niềm vui đong đầy và háo hức đón đợi. Thực ra, đó đều là những cảm xúc tự nhiên mỗi khi khép lại một chu kì cũ, mở ra chu kì mới là một năm mới đang đến, là Tết đến, là xuân về.
Mình thì mê Tết lắm, bởi ký ức Tết xưa của mình ngày bé, ngoài xúng xính quần áo đẹp, nhận nhiều lì xì và được đi chơi xuân, thì còn gắn liền với những mâm cỗ Tết đẹp đẽ, rực rỡ, ngon lành mà cả nhà cùng chung tay chuẩn bị, chờ khói hương cúng cụ xong là đến phút giây ấm êm cả nhà quây quần.
Trong kí ức của mình, mâm cỗ Tết của người Hà Nội thực sự là sự hội tụ của những tinh hoa ẩm thực, của tấm lòng thành kính mà con cháu muốn dâng lên tổ tiên trong dịp Tết truyền thống. Vì vậy, cỗ Tết truyền thống không chỉ là sự chỉn chu, tỉ mẩn trong từng khâu nguyên liệu, chế biến, mà đó còn là những quy tắc mâm cơm quý giá được trân truyền qua nhiều thế hệ. Giả như nấu món gì, bát đĩa phải lựa chọn bao nhiêu, sắp xếp thế nào, hay khi ăn phải lưu ý làm sao để ra dáng đảm đang, tài khéo, tất cả đã được thể hiện rõ nét trên mâm cỗ Tết.
Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhịp sống ngày càng hối hả hơn, ẩm thực nói chung và mâm cỗ Tết truyền thống nói riêng mỗi năm lại vận động và biến chuyển theo thời thế, đây là điều tất yếu.
Lớn dần lên, mình cũng được trải nghiệm những cái Tết xa nhà, ăn Tết ở những vùng miền khác. Nên càng thấy thú vị hơn khi biết mỗi miền lại có những truyền thống khác nhau trên mâm cỗ Tết. Vậy mới thấy, văn hóa ẩm thực Việt Nam đa dạng và sâu sắc biết bao nhiêu.
Mình rất mong, Tết năm nay, YBer hãy chia sẻ thật nhiều về mâm cỗ Tết tại chính địa phương bạn, để cùng lưu giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc qua ẩm thực Tết Nguyên Đán nhé.
Một phần quan trọng trên mâm cỗ Tết của người Hà Nội, chính là đồ bày – đựng. Thông thường, nhà mình luôn sử dụng đồng bộ một bộ bát đĩa thống nhất họa tiết, màu sắc để thêm phần trang trọng.
Cỗ Tết Hà Nội trước thường theo quy tắc số chẵn như 4 bát – 8 đĩa: thể hiện sự vẹn tròn, đầy đủ của số chẵn. Và cũng phù hợp với mâm cơm gia đình đông người, nhiều thế hệ. Mỗi mâm từ 6, 8 hoặc 10 người.
Tuy nhiên giờ thì con số bát đĩa này đã linh hoạt hơn rất nhiều, bởi bên cạnh gia đình lớn nhiều thế hệ thì cũng có những nhà có những bữa ăn Tết “gia đình nhỏ”, chỉ có bố mẹ con cái.
Nhà mình cũng vậy, tuy số bát đĩa linh hoạt, nhưng sự đồng bộ thì vẫn được ưu tiên. Và mình vẫn giữ nét truyền thống của gia đình lớn nhà mình từ ngày nhỏ, đó là mỗi năm Tết đến Xuân về, sẽ háo hức sắm sửa một bộ bát đĩa mới thật đẹp. Có năm giữ lại dùng, có năm để biếu tặng người thân, như một “tục lệ” khiến mình cảm thấy sự đủ đầy của một năm mới đầy may mắn đang tới.
Năm nay, những ngày giáp Tết chộn rộn, niềm vui bé nhỏ của mình chính là sắm được bộ bát đĩa men mờ này, nó quá hợp bày cỗ Tết, mà bữa ăn hàng ngày cũng cực kì vừa vặn, dễ dùng. Nên cũng muốn khoe Yêu Bếp, biết đâu lại là gợi ý cho bạn, tự thưởng bản thân vì một năm xứng đáng, hoặc làm quà biếu, tặng người thân, người trân quý, thì đều rất là hợp.
Bao lâu mình cứ tìm kiếm mãi một bộ bát đĩa bát ăn cơm hàng ngày mà có men mờ, là vì… chụp ảnh lên không bị bóng và lóa đèn =)) Ban đầu là vậy, mà sau khi nhìn thấy bộ “Đại Dương Sương Mờ” này của Minh Long thì lại còn mê hơn vì sắc trắng lam rất nhã nhặn, các họa tiết biển như ốc, sứa, sao biển đều sắc nét, cực kỳ có hồn. Đến khi chạm vào thì mê hẳn cái lớp men mờ ấy.
Năm mới, mang được chút hồn biển cả tươi mát vào vào nhà thì thích lắm vì cảm giác tươi mới, mát mắt. Mong sao tài lộc dồi dào như nước, mọi sự hiền hòa, thuận buồm xuôi gió, group Yêu Bếp cứ cuồn cuộn các content hay như sóng trào… Với mình thế là mĩ mãn rồi đấy, còn mong gì hơn sẽ thì thầm xin các cụ sau! Bí mật!
Giờ thì cùng ghé căn bếp của chúng mình, và sửa soạn một mâm cỗ Tết thật ấm lòng với các món cỗ Tết Hà Nội cùng nhà mình nhá.
Theo Phan Anh - Cộng đồng Yêu Bếp
Viết bình luận