Sống ở thị thành mưu sinh vất vả, mấy khi con được về thăm nhà. Ba hiểu vậy nên mỗi lần hay tin con sắp về, ba đều thông báo để mấy anh chị em gần đó cùng quây quần cả nhà để đón con.
Đặc sản ruộng đồng, quà quê bình dị - Ảnh: Công Hân |
Nhà mình ngày đông đủ cháu con bỗng vui như hội. Cơm dọn 2 - 3 mâm, đồ ăn bày ra la liệt, toàn những món con thèm: cua, tép luộc, cá nâu kho trái giác, cá chẽm nấu khoai cau, lịch kho sả ớt... Tiếng nói, tiếng cười rôm rả từ sàn nước vô nhà bếp, từ nhà trước đến nhà sau. Những câu chuyện tâm tình râm ran không dứt. Nhưng con về rồi đi trong vội vã, gửi lại nhà nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Quà đem lên thành phố lần nào cũng lủ khủ.
Anh Hai chuẩn bị hũ ba khía muối vì biết đó là món khoái khẩu của em gái mình. Anh còn cẩn thận gói bịch khô cá đối với mớ tép bạc non phơi khô để dành nấu canh. Anh Tư tranh thủ lội vuông cào mấy chục con lịch làm quà. Người làm khô cá phi ngon nhất nhà là anh rể thứ năm và đương nhiên con luôn được nhận món này. Em gái thứ bảy bơi xuồng giăng lưới, bắt mớ cá làm sạch, muối sẵn. Nữ công gia chánh em thua nhưng ăn đứt mấy chị trong nhà với món “ngón nghề” mắm tép. Vì vậy trong giỏ quà gửi cho con luôn có một keo bự chảng. Quà mang theo còn có đủ thứ rau vườn: bồ ngót, mồng tơi, càng cua, lại thêm ô môi, cóc chín, khoai mì, khoai cau... do em trai út “rảo” xung quanh nhà, có gì gom nấy. Trước khi từ giã, má không quên dặn dò cách bảo quản, món nào ăn trước, món nào ăn sau để “đỡ tốn tiền chợ cả tuần nghen con”.
Con không nhớ nổi đã bao lần “cõng” quà quê về thành phố. Nhưng con nhớ hoài lần về thăm nhà dịp lễ 1.5. Hôm đó vợ chồng anh Ba bận việc không về được. Chừng biết ngày con đi, anh chị vội chạy xe gần 40 cây số giữa cái nắng chang chang, xách 3 con cua biển lên nhà ba để kịp cho con. Đường sá trong quê đầy cầu, cống, nhiều đoạn chạy xe mà như sảy ngựa, sơ suất một chút là té như chơi.
Chị không sợ đường xa, không lo vất vả mà chỉ ngại vì cua không nhiều như trước: “Trời nắng quá, cua nhát mồi. Anh Ba cắm suốt ngày với mấy chục cần câu nhưng chỉ được 3 con, cưng đem về cho hai đứa nhỏ”...
Cũng từ chuyện này làm con nhớ lần anh Ba mang nếp về cho má gói bánh tét đón tết. Năm đó chưa có đường xe. Từ chợ huyện về nhà ba không có tàu đò, anh phải đón đò tuyến khác đi đỡ một đoạn rồi vác bao nếp lội bộ hơn 2 tiếng đồng hồ về cho má. Mà có phải ba má kêu anh làm vậy đâu, chỉ vì anh nghĩ đó là bổn phận con rể trong nhà khi năm hết Tết đến.
Đâu chỉ mình con “cõng” quà quê. Anh chị Hai cũng thường xuyên “cõng” quà phân phát cho mấy chị em con đó thôi. Có lần hái bắp bán, người ta lựa bắp ngon mua hết, còn vài chục trái xấu bị chê, bỏ lại, má đem luộc. Bắp chín, trời đổ mưa tầm tã. Sợ để qua đêm bắp hư, anh chị Hai mặc áo mưa chạy xe Honda gần 20 cây số ra chợ huyện cho mấy đứa em... Rồi những khi con gửi cam sành, xoài cát ngon về quê thì anh chị em trong nhà đều được ba chia phần đều, y như hồi tụi con còn nhỏ. Thương anh Hai mất hàng giờ chạy xe đem cho mỗi đứa em vài trái. Chị Ba nhà xa, anh Hai không đến được, ba gọi điện “rủ” chị về ăn xoài. Chị không dám từ chối vì chị hiểu rằng ba má tuổi già sức yếu không đi đâu được, lúc nào cũng muốn có con cháu quây quần...
Những câu chuyện và kỷ niệm về quà quê gợi lại trong tâm tưởng con một cách vụn vặt, chắp vá. Nhưng ba ơi, đó chính là năng lượng, là điểm tựa cho con mỗi khi cảm thấy bơ vơ, cô độc giữa chốn thị thành; giúp con tìm được hai chữ “bình an” trong cuộc sống bộn bề, khó nhọc.
Theo- Thanh Niên
Viết bình luận