Tôm là một trong những hải sản tốt cho sức khỏe con người, giá trị dinh dưỡng của tôm khá dồi dào, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Có thể nói, tôm là thực phẩm hoàn hảo cần bổ sung vào dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, “có nên cho trẻ ăn tôm hay không?” lại là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh.
1. Ăn tôm có tốt cho bé không?
Tôm rất giàu canxi, chứa protein cao hơn so với các loại thịt gia cầm. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh thắc mắc “có nên cho trẻ ăn tôm không?” hay “ăn tôm có tốt cho bé không?”. Thực tế, tôm không chỉ dễ hấp thu mà còn chứa DHA tăng cường sự phát triển trí tuệ và thị lực của bé. Các giá trị dinh dưỡng của tôm bao gồm:
- Chứa nhiều vitamin: Bao gồm vitamin A và D, đây là những vi chất quan trọng đối với sự phát triển của cơ xương, tăng cường hỗ trợ hệ tiêu hóa và chức năng của đường ruột.
- Chứa nhiều chất Selen, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy khoáng chất selen còn giúp ngăn ngừa một số loại ung thư nhất định ở trẻ nhỏ.
Cho bé ăn tôm để hỗ trợ cơ thể phát triển tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý về số lượng cũng như sức khỏe,... phù hợp theo tháng tuổi của bé để đảm bảo an toàn.
Tôm rất giàu canxi, chứa protein cao hơn so với các loại thịt gia cầm
2. Trẻ mấy tháng ăn được tôm?
Từ 6 tháng tuổi, bé có thể bắt đầu ăn dặm thêm một số loại thực phẩm khác ngoài sữa như bột, cháo, rau, củ quả,....Hải sản nói chung và tôm nói riêng thường chứa nhiều đạm, nên nó thường hay gây dị ứng thực phẩm ở trẻ. Vì vậy, với thắc mắc trẻ mấy tháng ăn được tôm thì câu trả lời là nên cho bé ăn tôm từ tháng thứ 7 trở đi là tốt nhất.
Khi cho bé ăn tôm cần lưu ý cho ăn từ từ ít một để bé dần thích nghi. Tùy theo tháng tuổi mà lượng tôm mỗi bữa sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Trẻ 7 – 12 tháng: Đối với trẻ trong độ tuổi này mỗi bữa nên cho ăn 20 – 30g tôm đã bỏ vỏ. Mẹ có thể nấu tôm với bột và cháo, mỗi ngày có thể ăn một bữa và 3 – 4 bữa/tuần.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: Đối với trẻ từ 1 - 3 tuổi thì mỗi ngày nên ăn một bữa tôm nấu với cháo hoặc ăn mì, bún, súp... với khoảng 30 – 40g tôm.
- Trẻ 4 tuổi trở lên: Khi trẻ được 4 tuổi trở lên thì nên cho trẻ ăn 1 – 2 bữa tôm/ngày, mỗi bữa ăn 50 – 60g tôm.
Đối với trẻ em, khẩu phần ăn hải sản nói chung và tôm nói riêng thường được xây dựng trên cơ sở về nhu cầu hấp thụ chất dinh dưỡng tại các thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển của bé.
Nên cho bé ăn tôm từ tháng thứ 7 trở đi là tốt nhất
3. Cách chế biến tôm đúng cách và hợp về sinh cho bé ăn
Khi cho bé ăn tôm, phụ huynh cần chế biến đúng cách để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho bé. Cách chế biến tôm:
Sơ chế tôm đúng cách:
Dù chế biến tôm bằng cách nào thì trước tiên cần ngâm tôm trong nước lạnh hoặc nước muối để rửa sạch. Sau đó kéo phần chân tôm và dùng ngón tay cái để tách phần vỏ tôm ra khỏi thịt. Loại bỏ phần đầu, đuôi tôm và loại bỏ cả phần chỉ màu đen chạy dọc theo lưng tôm bằng cách dùng dao nhỏ chẻ lưng tôm để lộ phần chỉ đen, rồi rút ra. Sau khi đã sơ chế xong thì rửa sạch lại tôm và để ráo nước.
Chế biến tôm đúng cách cho bé:
Phụ huynh có thể nấu tôm theo nhiều cách khác nhau, các cách tốt nhất thường được khuyến nghị là luộc, hấp, nướng hoặc xào cho bé ăn. Đối với những bé chưa thể nhai được thì nên xay nhuyễn tôm rồi nấu chung với bột hoặc cháo.
Khi chế biến tôm cần phải đảm bảo nấu tôm chín hoàn toàn. Dấu hiệu cho thấy tôm chín hoàn toàn là khi chúng cuộn tròn gần giống chữ "C", từ màu xám chuyển sang màu hồng cam.
Bảo quản tôm đúng cách:
Trường hợp phụ huynh không thể mua được tôm tươi còn sống thì có thể dùng loại tôm đông đá được bày bán tại các siêu thị. Tuy nhiên, khi mua tôm đông đá tại siêu thị thì cần lưu ý là phải chế biến tôm càng sớm càng tốt.
Bởi theo các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo không nên trữ đông tôm thêm lần nữa sau khi đã rã đông trước đó. Vì độ dai mềm và hương vị của tôm đông đá sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều so với tôm còn tươi sống.
Các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo không nên trữ đông tôm thêm lần nữa sau khi đã rã đông trước đó
4. Lưu ý khi cho bé ăn tôm
Tôm rất tốt cho sự phát triển toàn diện của bé, tuy nhiên, khi cho bé ăn tôm, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên cho bé ăn hải sản cùng lúc với trái cây, bởi sau khi ăn tôm mà ăn trái cây thì sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thụ protein, canxi của cơ thể bé. Đồng thời, lượng tannin trong trái cây khi kết hợp với protein sẽ tạo thành canxi không hòa tan, từ đó kích thích đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn. Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý thêm một số điều sau đây:
- Nếu trong gia đình có tiền sử bị dị ứng hải sản, mẹ nên cho trẻ dùng thử một ít hải sản trước, trong trường hợp trẻ không bị dị ứng thì sau đó phụ huynh mới nên tăng dần lượng hải sản trong bữa ăn của trẻ lên.
- Xay nhỏ tôm để nấu bột hoặc cháo cho bé ăn trong giai đoạn bé ăn dặm. Đối với trẻ lớn hơn 3 tuổi thì nên ăn những món hải sản luộc hoặc nấu với mỳ, miến hay cháo.
- Điều quan trọng nhất là khi cho bé ăn hải sản đó là nên chọn loại còn tươi, không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn cho bé. Khi chế biến cần phải đảm bảo vệ sinh và nấu chín hoàn toàn.
- Nhiều người thường có suy nghĩ rằng đầu tôm chứa nhiều canxi, tuy nhiên trên thực tế thì đầu tôm lại là nơi chứa nhiều chất thải, không tốt cho sức khỏe của bé. Bên cạnh đó đầu tôm còn có nhiều chất xơ dễ khiến cho bé bị hóc. Do đó khi cho bé ăn tôm, phụ huynh nên loại bỏ đầu tôm rồi mới chế biến cho bé ăn.
- Khi cho trẻ ăn tôm thì tuyệt đối không cho bé thử những loại hải sản lạ khác. Đồng thời không nên cho trẻ ăn nhiều những món hải sản chiên bởi khi chiên, dầu mỡ sẽ bão hòa lượng chất béo không no, từ đó khiến cho hàm lượng chất dinh dưỡng suy giảm cũng như sản sinh ra peroxit lipid có hại cho sức khỏe của bé.
Nhìn chung, tôm là một loại thực phẩm lành mạnh cần đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày của bé. Giá trị dinh dưỡng có trong tôm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bé vì nó chứa nguồn vitamin, khoáng chất và protein. Mặc dù trong tôm chứa cholesteol cao, nhưng không tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, do đó ăn tôm không tác động tiêu cực đến sức khỏe trẻ nếu ăn ở mức độ vừa phải.
Theo- Vinmec.com
Viết bình luận