Thị trường

Vững vàng vượt thách thức

Vững vàng vượt thách thức

 Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của tỉnh. Năm 2022, DN gặp khó khăn, thử thách trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi, đòi hỏi DN phải càng nhạy bén, chủ động sáng tạo, nắm bắt cơ hội trong điều hành sản xuất và tìm kiếm khách hàng, từng bước vượt qua khó khăn, đồng hành với tỉnh giữ vững đà tăng trưởng.

Bứt phá vươn lên

Tỉnh Bình Phước hiện có 15 khu công nghiệp, với hơn 10.500 DN, trong đó rất nhiều DN đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ... đầu tư, tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử; công nghiệp dệt may; sản xuất bao bì, chăn nuôi, chế biến gỗ, thực phẩm… 

Trước cơ hội và thách thức đan xen, các DN phải tự cơ cấu lại, xây dựng thương hiệu để vượt qua “sóng gió”. Điển hình như Công ty TNHH CPV Food (trực thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, thị xã Chơn Thành vừa xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản, đánh dấu sự thành công của chuỗi giá trị Feed - Farm - Food của CPV Food, bắt đầu hành trình đưa sản phẩm gà chế biến của Việt Nam sang các thị trường châu Á, châu Âu. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng đoàn công tác tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng III (thị xã Chơn Thành)

Ông Krisanath  Meadsavapanmonkol, Phó Tổng giám đốc CPV Food cho biết: Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà nhiều nhất thế giới, khoảng 1 triệu tấn/năm. Việc xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên này nhằm thử nghiệm thị trường. Dự kiến năm 2023, CPV Food sẽ xuất khẩu khoảng 6.000 tấn/năm. Ngoài thị trường Nhật Bản, chúng tôi còn sản xuất để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang châu Á, châu Âu. Các thị trường này, tính minh bạch trong quá trình sản xuất sản phẩm rất cao, do vậy khi định hình đối tượng khách hàng cần tuân theo những quy tắc, chuẩn mực quốc tế. DN muốn xuất khẩu phải có một quy trình chuẩn, đầu tư bài bản để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.

Những tháng cuối năm, nhiều DN gặp trở ngại do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên liệu, cước vận tải tăng cao, đơn hàng giảm… thế nhưng, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú vẫn chủ động, linh hoạt tìm đầu ra để đảm bảo sản xuất, duy trì việc làm cho công nhân. Từ năm 2021 đến nay, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng công ty đã nỗ lực, vượt khó và trở thành một trong những DN nộp thuế lớn cho ngân sách tỉnh. Công ty cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và đoàn công tác khảo sát khu đất thu hút đầu tư xây khách sạn và các công trình thương mại, dịch vụ tại phường Minh Hưng

Thành công này, theo ông Chou Chun Chieh, Giám đốc đơn vị quản lý Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), là nhờ những chính sách hỗ trợ DN nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Bình Phước nói riêng. Cùng với sự thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hành chính điện tử, giá thuê mặt bằng đất hợp lý, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân công dồi dào... công ty đã và đang phát triển ngày một bền vững. 

DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào tỉnh thành công và đang liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh đã giúp những DN FDI khác tin tưởng và đăng ký đầu tư mới tại tỉnh ngày một tăng. Chính sự xuất hiện của các “ông lớn” như Vingroup, Đất Xanh, Becamex… và các nhà đầu tư uy tín trên thế giới như C.P Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa… đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp Bình Phước. 

Cùng đi, cùng đến, cùng phát triển

Không thụ động chờ đợi nhà đầu tư đến, những năm gần đây Bình Phước đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các DN lớn có thương hiệu toàn cầu. Cụ thể trong năm 2022, Bình Phước đã tổ chức 2 đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 5 hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác Đài Loan, Italy, Thái Lan, Trung Quốc, Đức; 2 hội thảo xúc tiến đầu tư trực tiếp với đối tác Singapore và Nhật Bản. Tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư trực tiếp lĩnh vực nhà ở xã hội; ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành trong khu vực.

Công ty TNHH CPV Food, Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước (thị xã Chơn Thành) vừa xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản, bắt đầu hành trình đưa sản phẩm gà chế biến của Việt Nam sang các thị trường châu Á, châu Âu

Cùng với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, DN”, bên cạnh tập trung nguồn lực chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, các sở, ngành, địa phương đã thường xuyên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho DN. Trong đó, giải quyết thủ tục hành chính cho DN được thực hiện tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; 100% thủ tục hành chính thực hiện mức độ 4; thủ tục hành chính đều được cắt giảm 1/3 thời gian so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. 

Với sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng, vị thế, vai trò của doanh nhân, DN tỉnh từng bước được khẳng định. Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 20,05% so với năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, với mức tăng 21,17%. Tỷ lệ lấp đầy của 15 khu công nghiệp là 67,6%, trong đó 5 khu công nghiệp đã lấp đầy 100%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3 tỷ 850 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2 tỷ 150 triệu USD, tăng 10% và giảm 1,83% so với năm 2021.

Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh nhấn mạnh: Ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho DN, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng và nội tỉnh để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng. Tỉnh cũng ưu tiên dự án thiên về dịch vụ, sử dụng ít diện tích đất, ít lao động trực tiếp.

Trợ lực kịp thời của tỉnh cùng với bản lĩnh DN tìm được “cơ” trong “nguy” đã đưa kinh tế Bình Phước vươn mình phát triển. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,42%, vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5%, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch 5 năm (2021-2025).

Từ khi đi vào hoạt động, Công ty TNHH Leoch Supper Power (Tập đoàn Singapore), KCN Becamex-Bình Phước chuyên sản xuất bình acquy nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền địa phương

Bình Phước không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư bởi các yếu tố khách quan như mặt bằng, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh mà đang dần thu hút bởi những chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và an toàn. Sự lớn mạnh của các nhà đầu tư trên mảnh đất Bình Phước ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội còn cho thấy uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng tăng. Sự đồng hành, hậu thuẫn của tỉnh là điểm tựa để các nhà đầu tư nối dài thị trường, khẳng định thương hiệu DN.

Theo baobinhphuoc.com.vn

Đang xem: Vững vàng vượt thách thức

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng