Càng gần Tết, những vụ mua bán, lưu thông hàng hóa, thực phẩm không đủ tiêu chuẩn và không có xuất xứ càng tăng. Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý.
Sữa giả nhưng quét mã QR ra hàng thật
Ngày 22/01, Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị này vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Dương phát hiện 1 xưởng sản xuất sữa giả các nhãn hiệu nổi tiếng với quy mô lớn liên tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và bán chủ yếu theo phương thức online.
Hiện, lực lượng chức năng đang tạm giữ 8 đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm". Trong đó, V.T.C (36 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) được xác định là người chủ mưu, cầm đầu.
Đây là kết quả của cuộc phối hợp kiểm tra giữa các lực lượng chức năng gồm: Cục QLTT Bình Dương, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Dĩ An (Bình Dương). Theo đó, các lực lượng đã đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa do V.T.C làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.
Thu giữ gần 7 tạ thịt đông lạnh trôi nổi. (Ảnh: Cục QLTT tỉnh Gia Lai)
Kết quả, thu giữ được hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 150.000 vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng; 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa, cùng máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả. Ước tính giá trị tang vật bị thu giữ lên đến 14,5 tỷ đồng.
Làm việc với lực lượng chức năng V.T.C khai nhận, đã thuê một nhà xưởng ở khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP Dĩ An và công nhân để sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng. Được biết, các thương hiệu này chủ yếu là nhập khẩu từ Úc, New Zealand và chưa được phép sản xuất tại Việt Nam.
Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, V.T.C đăng thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, cứ khoảng 1 tháng V.T.C lại đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng.
Qua xác minh, V.T.C hoạt động sản xuất, buôn bán sữa bột giả từ ngày 24/11/2023 đến nay và đã hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa đều được bán trên thương mại điện tử. Đáng chú ý, các cơ sở kinh doanh của V.T.C sẵn sàng cho khách hàng đồng kiểm hàng bằng cách quét mã QR trên các lon sữa khi nhận được, bởi khi khách hàng quét mã này sản phẩm vẫn trả ra kết quả ra là hàng chính hãng.
Đây là vụ việc được đánh giá là khá nguy hiểm do sản phẩm làm giả là thực phẩm dành cho trẻ em, người già và người bị bệnh tiểu đường. Đại diện lực lượng chức năng cho biết, vụ việc sẽ tiếp tục được điều tra và làm rõ.
Ngăn chặn thực phẩm bẩn ra thị trường
Trong những ngày cao điểm thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm gia giám sát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, lực lượng QLTT cả nước đã chặn đứng nhiều vụ thực phẩm bẩn, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi các loại thực phẩm này được mang ra tiêu thụ vào dịp Tết.
Trong đó phải kể đến vụ Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 7 Phòng PC03 (Công an TP Hà Nội) phát hiện kho chứa thực phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ rất lớn nằm sâu trong khu dân cư, trên địa bàn huyện Thường Tín. Tổng số hàng hóa thu giữ được là 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn. Chủ cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm này thừa nhận tất cả hàng hóa được thu mua trôi nổi trên địa bàn, sau đó bán cho khách có nhu cầu ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) cũng tạm giữ hơn 800kg thực phẩm nhập lậu gồm xúc xích (đóng gói) và tràng lợn (dạng đóng hộp) tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Móng Cái, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục QLTT tỉnh Gia Lai cũng kiểm tra, phát hiện một người dân không đăng ký kinh doanh đã lưu giữ 681kg thịt trong 3 tủ đông lạnh. Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cũng không có bao bì, không đóng gói.
Người dân này đã khai mua số hàng hóa trên từ nhiều nơi, chuẩn bị tiêu thụ trong dịp Tết năm 2024 tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thì bị kiểm tra phát hiện. Đoàn kiểm tra đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 77 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 681kg số thịt nói trên theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, còn hàng chục vụ việc được các đội QLTT trên cả nước bắt giữ, hàng hóa đều là các mặt hàng tiêu thụ mạnh và dịp Tết. Trong đó đáng chú ý là vụ tạm giữ hơn 2,6 tấn thực phẩm các loại là kẹo socola, ô mai, xí muội, chà là sấy, táo đỏ do Cục QLTT Phú Yên kiểm tra. Nhiều không kém là hơn 2,7 tấn thực phẩm gồm rất nhiều loại bánh kẹo như 500kg kẹo viên bọc socola, 315kg ô mai việt quất, 3 tạ chân gà ăn liền, 40kg mực sợi ăn liền, 418kg bánh hạnh nhân nhãn hiệu Almond Milk Crips… do Cục QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với Đội Chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Yên Bái thu giữ. Tất cả số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Viết bình luận