Những ngày qua, tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn diễn tiến phức tạp tại nhiều địa phương gây nhiều khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, việc bình tĩnh ứng phó với dịch, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về dịch cũng đã góp phần không nhỏ giảm bớt gánh nặng của người chăn nuôi khi heo sạch vẫn tiêu thụ được.
Người tiêu dùng chú trọng sử dụng thịt heo sạch. Ảnh: MINH THANH
Heo sạch vẫn hút hàng
Tại Gia Lai, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại huyện Chư Pưh. Đến ngày 26-5, UBND huyện Chư Pưh đã ban hành quyết định công bố dịch tả heo châu Phi tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa. Ngành chức năng đã tiêu hủy 338 con bị bệnh của 77 hộ dân trên địa bàn. Thông tin này đã khiến tình hình tiêu thụ thịt heo tại các chợ giảm mạnh.
Nhưng ngược lại với chợ, tại các siêu thị, thịt heo lại bán được, thậm chí bán nhiều hơn. Ông Bùi Quốc Bình, Giám đốc Co.opmart Pleiku (tỉnh Gia Lai), cho biết, từ lúc có thông tin dịch tả heo, lượng khách đến siêu thị mua thịt heo tăng lên 20% so với trước lúc chưa có dịch. Dù có dịch hay không có dịch thì siêu thị rất chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào của thịt heo. Khi thông tin xuất hiện dịch, người dân lo ngại thịt heo bán bên ngoài nên vào siêu thị mua.
Đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng vẫn là địa phương an toàn với dịch tả heo châu Phi khi chưa ghi nhận điểm dịch nào bùng phát. Dù vậy, giai đoạn dịch tả heo mới bùng phát ở các địa phương khác, tâm lý “ngại” dùng thực phẩm có nguồn gốc từ thịt heo cũng xuất hiện trong cộng đồng.
Bà Đinh Thị Thu (phường 9, TP Đà Lạt) cho biết: “Mới đầu thấy tivi, báo đài đưa về dịch heo, gia đình tôi tạm ngừng sử dụng thịt heo ít bữa nhưng về sau tìm hiểu bệnh này không gây nguy hiểm cho con người nên thịt heo vẫn là thực đơn chính hàng tuần cho gia đình 5 người chúng tôi, trong đó có cả cháu bé 3 tuổi”.
Mới hơn 9 giờ sáng nhưng cửa hàng bán heo sạch của gia đình chị Nguyễn Trúc Lâm, chủ cửa hàng thịt heo sạch CP (đường Hai Bà Trưng, phường 6, TP Đà Lạt) đã hết sạch sản phẩm. Chị Lâm cho rằng, khi người dân biết rõ về ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, nhất là biết được bệnh này không lây trên người thì sức tiêu thụ thịt heo không ảnh hưởng nhiều. Quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân hiểu và tin dùng sản phẩm heo có nguồn gốc rõ ràng.
“Ngay lối vào cửa hàng, chúng tôi có bảng hướng dẫn để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin cơ bản về virus ASF gây bệnh dịch tả heo châu Phi. Như virus chỉ tồn tại được 20 phút khi nấu ở nhiệt độ 60°C, tồn tại được 2 phút khi nấu ở 90°C và bị tiêu diệt khi nấu ở 100°C trong thời gian chưa đầy 1 phút”, chị Lâm tâm sự.
Nhờ những tư vấn cụ thể, rõ ràng nên trung bình mỗi ngày cửa hàng heo sạch gia đình chị Lâm bán được 40 - 45kg thịt heo. Nhiều người dừng sử dụng thịt heo lâu ngày giờ cũng đã mua heo về chế biến thực đơn hàng ngày trong gia đình.
Người dân mua thịt heo tại chợ Hàng Rượu, Quảng Ngãi. Ảnh: NGỌC OAI
Anh Nguyễn Văn Hoàng, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết, anh vay mượn ngân hàng, người quen đầu tư lứa heo với 2000 con, nay xuất chuồng vào đúng dịp heo mắc dịch. Giá heo chỉ còn ở mức 32.000 - 34.000 đồng/kg và bị thương lái ép giá khiến cho việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ người chăn nuôi, ghi nhận tại một số cửa hàng và đại lý cấp 1 chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, hầu như các đại lý cám đều vắng khách.
Tại huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) mấy ngày vừa qua nhiều tiểu thương bức xúc vì chính quyền một số xã như Dân Lý, Nông Trường, Thọ Thành,… ra thông báo cấm bán thịt heo. Nguyên nhân của lệnh cấm này được cho là các xã “hiểu không đúng” chỉ đạo của huyện. Huyện yêu cầu cấm bán thịt heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,… nhưng một số xã lại cấm tất cả. Sở NN-PTNT huyện Triệu Sơn đã yêu cầu những xã ra thông báo cấm bán thịt heo ở chợ phải sửa lại thông báo.
Dịch vẫn đang lan rộng
Ngày 27-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh vừa phát hiện một ổ dịch tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, với tổng đàn 55 con. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã lập thêm 4 chốt kiểm soát trên các tuyến đường vào tỉnh nhằm tăng cường giám sát nguồn gốc heo nhập vào tỉnh.
Cà Mau cũng đã lập thêm chốt kiểm dịch động vật 24/24 giờ trên tuyến đường bộ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu (thuộc xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình).
Ông Nguyễn Công Hiếu, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết, tính đến trưa 27-5, huyện có thêm 4 xã xuất hiện dịch. Trong số các địa phương có dịch, nhiều điểm nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông không thuận lợi như xã Bảo Thắng, Mường Típ, Hữu Kiệm,… nên việc ngăn chặn, phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng ngày, Phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, mặc dù trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch, nhưng do số heo chết vứt trôi nổi trên kênh thủy lợi N9 có kết quả dương tính, nên huyện đã phải công bố ổ dịch để thực hiện các biện pháp phòng chống.
Thông tin từ tỉnh Hà Giang ngày 27-5, Sở NN-PTNT tỉnh này vừa phát hiện 1 vụ vận chuyển heo vào địa bàn tỉnh Hà Giang từ tỉnh Tuyên Quang. Điều đáng quan ngại là mặc dù đàn heo được cơ quan thú y của tỉnh Tuyên Quang cấp phép an toàn dịch bệnh, được phép vận chuyển, mua bán nhưng kết quả kiểm tra, xét nghiệm lại phát hiện có heo dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang khẳng định sẽ chấn chỉnh công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
PHÚC HẬU
Viết bình luận