Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đạt net zero vào năm 2050. Nông nghiệp là một trong những ngành phải thực hiện giảm phát thải khí carbon.
Chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính lớn nên việc triển khai các mô hình, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được ngành chăn nuôi quan tâm. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành chăn nuôi đã triển khai nhiều giải pháp giảm phát thải, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững.
Chăn nuôi gây phát thải lớn
Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Bộ Tài Nguyên và môi trường ngày 10-10-2022 đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT về công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Theo đó, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76 kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54 kg CH4/con/năm.
Đối với chăn nuôi heo, phát thải hơn 4,8 kg CO2/kg thịt. Nếu tính trung bình khối lượng heo tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con heo phát thải khoảng 438 kg CO2. Với quy mô chăn nuôi trung bình từ 3 ngàn đầu heo sẽ phát thải khoảng 3 ngàn tấn CO2/năm.
Như vậy, chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính với số lượng lớn.
Một trang trại chăn nuôi bò tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Kết quả kiểm kê cho thấy, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi heo luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành. Phát thải khí metan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí metan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi heo thịt. Phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi đang có xu hướng tăng qua các năm.
Trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên. Theo đó, chăn nuôi cần phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công, ngành chăn nuôi hiện nay thải ra rất nhiều khí carbon, kể cả phụ phẩm nông nghiệp. Đồng Nai rất quan tâm đến thực hiện chăn nuôi giảm phát thải. Một số tập đoàn, DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp giảm phát thải trong chăn nuôi. Đây cũng là lý do chính để Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tổ chức Hội thảo Tìm giải pháp và các kiến nghị cho chăn nuôi xanh, tập trung vào các giải pháp chuyên sâu về vấn đề giảm phát thải trong chăn nuôi.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Quốc Đạt, phát triển nông nghiệp xanh nói chung, đặc biệt là thực hiện chăn nuôi giảm phát thải nói riêng, đang là xu hướng chung của thế giới. Ở đây, chính sách hỗ trợ các nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư công nghệ vừa giúp giảm phát thải, vừa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi cần được quan tâm.
DN là đầu tàu
Vừa qua, tại Hội thảo Tìm giải pháp và các kiến nghị cho chăn nuôi xanh, các chuyên gia, DN đã giới thiệu nhiều giải pháp giảm phát thải trong chăn nuôi như: giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi; sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học, thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ; xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn…
Có thực trạng là ngành chăn nuôi đang sử dụng đạm thô quá nhiều. Tuy nhiên, nếu sử dụng đạm thô không hiệu quả, vật nuôi không tiêu hóa được sẽ phát thải ra môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Hải, đại diện Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), việc giới hạn lượng đạm trong khẩu phần ăn góp phần giảm carbon phát thải ra môi trường. Chính vì vậy, trước đây Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đưa ra quy định giới hạn lượng đạm tối thiểu trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi ký hiệp ước để đưa khí carbon về 0, Hàn Quốc đã thay đổi luật từ quy định mức tối thiểu lên giới hạn ngưỡng đạm tối đa.
“Có thể áp dụng khẩu phần ăn đạm thấp nhưng vẫn đảm bảo được năng suất của vật nuôi, vừa giảm phát thải. Đây là một trong những giải pháp chúng ta có thể hành động để đạt mục tiêu net zero vào năm 2050″ – ông Hải khẳng định.
Cũng quan tâm đến bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Lâm Thành Sơn, đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (thành phố Biên Hòa), cho biết vì giải pháp dinh dưỡng thô gây phát thải cao nên DN đã áp dụng dinh dưỡng tinh nhiều năm nay. DN cũng áp dụng máy móc, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, hầu như không còn sử dụng than đá trong quá trình sản xuất. Trang trại chăn nuôi của C.P cũng đã ứng dụng biogas xử lý chất thải. Kế hoạch của C.P là trồng 1,5 triệu cây xanh trong Chương trình C.P Vì một Việt Nam xanh. Hiện DN đã đạt được 66% kế hoạch, trong đó có 500 ngàn cây xanh được trồng trong hệ thống trang trại của DN.
Theo Người Chăn Nuôi
Viết bình luận