Tôm màu gạch vàng ươm, đượm vị bùi béo ngọt, ăn cùng cơm gạo mới dẻo thơm lưu luyến vị giác. Đây là món đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Cách làm
1. Sơ chế, tẩm ướp
Tôm bóc bỏ vỏ và đầu, nặn gạch ra để riêng. Luồn nhẹ kéo hoặc chẻ nhẹ sống lưng, rút bỏ chỉ đen. Sau đó, rửa sạch tôm, để ráo nước. Ướp tôm với 2 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê hạt tiêu, đảo đều để 10 - 15 phút cho thấm vị.
Phần gạch tôm tán mịn, thêm 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê dầu màu điều, 1/2 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu khuấy đều cho hòa quyện. Tỏi và hành khô băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, thái lát. Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ. Nước dừa tươi giúp cho món tôm kho tàu thêm vị ngọt thanh và đậm phong vị miền sông nước.
2. Chế biến
Phi thơm tỏi và hành khô, hạ lửa nhỏ, trút phần gạch tôm đã ướp vào xào thơm và lên màu đẹp mắt. Phần gạch cua không chỉ tạo màu đẹp cho món ăn mà còn tạo vị bùi ngậy rất hấp dẫn.
Trút phần tôm ướp vào đảo cho gạch tôm bám đều các mặt. Khi tôm săn lại, cho 1 chén (bát nhỏ) nước dừa tươi vào, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng và kho ở lửa liu riu. Khi nước hơi sánh lại, rắc hành lá, hạt tiêu, tắt bếp và múc ra thưởng thức nóng.
3. Yêu cầu thành phẩm
- Tôm màu gạch vàng ươm, đượm vị bùi béo ngọt, ăn cùng cơm gạo mới dẻo thơm lưu luyến vị giác lắm. Đây là món đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Chú ý:
Chọn mua được tôm càng xanh là ngon và chuẩn vị nhất vì thịt ngọt thơm, nhiều gạch béo bùi.
Ngoài cách kho trên, còn có cách khác là chiên sơ tôm trước rồi đem kho với nước dừa, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Khi nước gần cạn thì mới rưới gạch vào đảo đều cho chín, lên màu là được.