Mặc dù thị trường có rất nhiều loại bánh ăn dặm bán sẵn nhưng tự tay làm bánh ăn dặm cho bé mới yên tâm tuyệt đối mẹ nhỉ! Bánh ăn dặm mẹ tự làm vừa đầy đủ dinh dưỡng, thơm ngon vừa đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh cho bé. Bài viết này, góc của mẹ sẽ bật mí cho mẹ cách làm 11 loại bánh ăn dặm siêu đơn giản, mẹ tham khảo nhé!
Bé thích thú ăn bánh mẹ tự tay làm
1. 6 món bánh ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
1.1. Bánh ăn dặm bí ngô trứng gà
Bí ngô từ lâu đã được khoa học chứng minh là thực phẩm chứa hàm lượng cao Vitamin A. Nhưng sẽ thật nhàm chán cho bé nếu để bé ăn mỗi bí ngô hấp chín mẹ nhỉ. Bánh ăn dặm bí ngô trứng gà có vị ngọt nhẹ của bí ngô hoà quyện với vị ngậy béo của trứng gà chắc chắn sẽ khiến bé hào hứng và thích mê. Góc của mẹ sẽ hướng dẫn mẹ cách “hô biến” bí ngô trở thành món bánh ăn dặm yêu thích phù hợp với bé từ 4 – 6 tháng tuổi ngay dưới đây.
Bánh ăn dặm bí ngô trứng gà thơm ngon cho bé
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 3 – 5 cái bánh: 100g bí ngô, 1 lòng đỏ trứng gà, 5 thìa bột mì, 20ml nước, 3 thìa cà phê dầu oliu.
- Dụng cụ: chảo chống dính, rây lọc, phới đánh trứng, nồi hấp.
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ
- Bước 1: Bí ngô sau khi gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ, mẹ cho vào nồi hấp khoảng 7 – 10 phút tới khi chín. Sau đó mẹ dùng thìa nghiền nhuyễn để bé ăn không bị hóc.
- Bước 2: Bột mì rây qua rây lọc cho mịn, loại bỏ các hạt bột mì bị vón.
- Bước 3: Mẹ cho hỗn hợp bí ngô đã nhuyễn, 1 lòng đỏ trứng gà và bột mì đã rây mịn vào bát rồi dùng phới đánh trứng khuấy trộn đều tay khoảng 5 – 7 phút để tạo hỗn hợp sánh mịn. Trong quá trình trộn nếu thấy hỗn hợp quá đặc, mẹ cho thêm 15 – 20ml nước.
- Bước 4: Chảo sau khi được làm nóng, mẹ cho 3 thìa cà phê dầu oliu vào láng đều mặt chảo và để dầu nóng trong 2 – 3 phút. Mẹ sử dụng thìa múc hỗn hợp đổ vào chảo tạo thành các hình tròn khoảng 4 – 5 cm. Để lửa nhỏ rán bánh trong 10 phút, trong quá trình rán mẹ lật mặt bánh để bánh có 2 mặt vàng đều mẹ nhé.
Mẹ nhớ xay bí thật nhuyễn để bánh mịn và ngon nhé!
1.2. Bánh muffin chuối
Hàm lượng cao khoáng chất kali có trong chuối chín rất tốt cho hệ tim mạch của bé. Tuy nhiên do bé nhà mình chưa có đủ răng nên việc ăn chuối chưa nghiền nhuyễn không dễ dàng chút nào. Bánh muffin chuối dưới đây sẽ là một gợi ý tuyệt vời cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé yêu.
Bánh muffin chuối sử dụng nguyên liệu đơn giản nhưng lại cung cấp hàm lượng protein dồi dào từ trứng và sữa công thức cho bé. Bánh phù hợp cho các bé từ 5 tháng tuổi, giúp bé tràn đầy năng lượng cho các hoạt động vui chơi trong ngày.
Bánh muffin chuối hấp dẫn khiến bé yêu thích thú
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 3 chiếc bánh: 1 – 2 quả chuối chín cỡ vừa, 1 lòng đỏ trứng gà, 2 thìa bột mì, 200ml sữa công thức.
- Dụng cụ: phới đánh trứng, máy xay sinh tố, lò nướng (hoặc nồi chiên không dầu).
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Chuối sau khi bóc vỏ, mẹ nghiền nhuyễn hoặc cho vào máy xay sinh tố xay cho mịn hơn.
- Bước 2: Mẹ sử dụng phới đánh trứng đánh tan lòng đỏ trứng gà, sau đó cho 200ml sữa công thức vào trộn đều trong 5 phút.
- Bước 3: Mẹ cho chuối đã nhuyễn vào hỗn hợp trứng sữa phía trên, khuấy đều cho hỗn hợp hoà quyện vào nhau.
- Bước 4: Mẹ cho 2 thìa bột mì vào hỗn hợp, dùng phới đánh trứng đánh đều tay cho đến khi hỗn hợp sánh mịn.
- Bước 5: Mẹ chia hỗn hợp thu được vào từng cốc nhỏ rồi cho vào lò nướng (hoặc nồi chiên không dầu) 20 phút ở nhiệt độ 180 độ C.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Sau khi nướng bánh, mẹ đợi khoảng 10 phút để bánh nguội rồi mới lấy ra khỏi lò nướng, tránh bị bỏng mẹ nhé!
Mẹ đợi khoảng 10 phút để bánh nguội rồi mới lấy ra khỏi lò mẹ nhé
1.3. Bánh chuối hấp nước cốt dừa
Bánh ăn dặm chuối hấp nước cốt dừa có hương vị thơm ngon của chuối, béo ngậy của nước cốt dừa hoà quyện cùng vị mềm dai khi nấu chín của bột ngô. Đây chắc chắn sẽ là món bánh yêu thích của bé yêu nhà mình.
Với các nguyên liệu tự nhiên gần gũi, mẹ chỉ cần thao tác rất đơn giản là có ngay một món ăn dặm dinh dưỡng phù hợp cho bé 5 – 6 tháng tuổi. Ngoài cung cấp năng lượng cho bé, bánh còn bổ sung đầy đủ chất xơ, nhiều loại vitamin, khoáng chất quan trọng như: Vitamin B6, Vitamin C, kali…
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 4 – 5 chiếc bánh: 2 – 3 quả chuối chín cỡ vừa, 100ml nước cốt dừa, 2 thìa bột ngô.
- Dụng cụ: rây lọc, máy xay sinh tố, nồi hấp, phới đánh trứng.
Bánh chuối hấp nước cốt dừa béo ngậy thơm ngon
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Chuối mẹ bóc vỏ rồi dằm nhuyễn hoặc cho vào máy xay sinh tố.
- Bước 2: Mẹ dùng phới đánh trứng đánh đều tay hỗn hợp chuối phía trên cùng 100ml nước cốt dừa và 2 thìa bột ngô đến khi hỗn hợp sánh mịn.
- Bước 3: Mẹ lọc hỗn hợp qua rây lọc để loại bỏ bột vón cục chưa tan hay miếng chuối chưa nhuyễn còn sót làm bé khó ăn.
- Bước 4: Mẹ chia hỗn hợp sau khi lọc vào 4 – 5 khay nhỏ rồi cho vào nồi hấp cách thuỷ lửa nhỏ trong 15 phút.
1.4. Bánh sữa bột bắp
Sự thơm ngon của vị sữa hòa quyện cùng hương bắp là sự kết hợp hoàn hảo tạo nên hương vị hấp dẫn. Bánh cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé như vitamin A, vitamin C, vitamin B6, protein, chất béo, kháng thể từ sữa mẹ,… giúp bé 6 tháng tuổi ăn dặm ngon miệng mà không bị lạ bánh.
Bánh sữa bột bắp – món ăn dặm yêu thích của bé
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 1 chiếc bánh lớn: 5 – 7 thìa bột bắp, 150ml sữa công thức hoặc sữa mẹ.
- Dụng cụ: nồi đun, nồi hấp, khay thuỷ tinh.
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Mẹ pha 150ml sữa công thức hoặc dùng dụng cụ vắt sữa lấy 150ml sữa mẹ.
- Bước 2: Cho 150ml sữa chuẩn bị ở bước 1 vào nồi rồi đổ 5 – 7 thìa bột bắp vào khuấy đều khoảng 5 phút đến khi bột bắp tan hết tạo thành hỗn hợp đồng nhất.
- Bước 3: Mẹ đặt nồi chứa hỗn hợp trên lên bếp để lửa vừa, đun tầm 5 phút cho hỗn hợp sánh đặc lại, sền sệt là tắt bếp được.
- Bước 4: Hỗn hợp sánh đặc phía trên mẹ chuyển vào khay thuỷ tinh (hoặc bát ăn bình thường) rồi đặt vào nồi hấp. Mẹ để lửa nhỏ hấp trong 20 phút là hoàn thành xong món bánh sữa bột bắp thơm ngon đầy đủ dinh dưỡng rồi ạ.
1.5. Bánh tôm rong biển
Rong biển rất giàu chất xơ giúp bé tiêu hoá thức ăn tốt, từ đó hấp thu tốt các chất dinh dưỡng để phát triển khoẻ mạnh. Bánh tôm rong biển vỏ ngoài giòn tan còn thơm ngon mùi tôm cùng với vị mằn mặn của rong biển hẳn sẽ khiến bé thích thú lắm đó mẹ. Bánh phù hợp với các bé từ 6 tháng tuổi, cần bổ sung chất xơ và canxi. Mẹ tham khảo cách làm dưới đây nhé!
Bánh tôm rong biển độc lạ cho bữa ăn dặm của bé hấp dẫn hơn
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 5 chiếc bánh: 50g tôm đã lột vỏ (3 con tôm cỡ vừa), 70g bột mì (8 thìa bột mì), 1 lòng đỏ trứng gà, 2 thìa rong biển đã nghiền nát thành bột vụn, 3 – 5 thìa cà phê bơ nhạt.
- Dụng cụ: nồi hấp, chảo chống dính, máy xay (hoặc cối giã), thanh lăn bột làm bánh, lò nướng (hoặc nồi chiên không dầu), rây lọc.
Mẹ chọn thanh lăn bột làm bánh để cán bột cho mềm mịn
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Tôm đã lột vỏ, mẹ rửa sạch rồi đặt vào nồi hấp 4 – 5 phút đến khi chín. Sau đó cho tôm vào máy xay hoặc cối để xay nhuyễn. Tôm đã nhuyễn, mẹ cho lên chảo đảo đều tay lửa nhỏ 5 – 7 phút đến khi khô thành bột bông tơi.
- Bước 2: Bột mì rây qua rây lọc cho mịn rồi trộn đều trong 5 phút cùng bơ nhạt đã đun chảy.
- Bước 3: Mẹ cho bột tôm đã chuẩn bị, 1 lòng đỏ trứng gà cùng vụn rong biển vào hỗn hợp ở bước 2, sau đó dùng tay nhào nặn bột thật kĩ. Trong quá trình nhào mẹ nên dùng thanh lăn làm bánh để cán bột cho mềm mịn, các thành phần hòa quyện đều vào nhau.
- Bước 4: Mẹ chia khối bột bánh phía trên thành 5 – 6 miếng bột nhỏ rồi tạo thành nhiều hình dáng khác nhau để khi ăn bé hứng thú hơn nhé.
- Bước 5: Mẹ làm nóng lò nướng (hoặc nồi chiên không dầu) ở 100 độ C trong 5 phút. Sau đó mẹ đặt bánh vào nướng ở nhiệt độ 170 độ C trong 17 phút.
Mẹ làm nóng lò nướng ở 100 độ C trước khi nướng bánh nhé
Lưu ý: Nếu sử dụng nồi chiên không dầu để nướng bánh thì khoảng 10 phút mẹ lật bánh một lần để bánh được giòn đều 2 mặt mẹ nhé!
1.6. Bánh mì trộn sữa
Các món bánh mềm, dậy thơm vị sữa như món bánh mì trộn sữa luôn được các bé dưới 6 tháng tuổi đặc biệt yêu thích. Bánh không chỉ ngon thơm mà còn cung cấp dồi dào lượng protein và tinh bột cho một ngày hoạt động, vui chơi. Công thức này dựa trên những thành phần cơ bản nhất, có cấu trúc mềm, dễ ăn, phù hợp với bé mới tập ăn dặm.
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 1 chiếc bánh lớn: 3 lát cắt mỏng bánh mì gối (hoặc 1 cái bánh mì thường), 200ml sữa công thức hoặc sữa mẹ.
- Dụng cụ: nồi đun, khay vuông.
Món bánh mì trộn sữa thơm ngon cho bé chỉ từ 2 nguyên liệu đơn giản
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Mẹ dùng tay loại bỏ phần vỏ bánh mì, chỉ giữ lại phần ruột mềm rồi xé nhỏ để bé dễ nhai.
- Bước 2: Mẹ pha 200ml sữa công thức bằng nước đun sôi để nguội khoảng 50 độ C hoặc sử dụng dụng cụ hút sữa lấy 200ml sữa mẹ.
- Bước 3: Mẹ trộn đều phần ruột bánh mì ở bước 1 với 200ml sữa, sau đó để hỗn hợp trong 5 phút cho phần ruột bánh mì mềm hơn.
- Bước 4: Mẹ cho hỗn hợp trên vào nồi đun nhỏ lửa khoảng 7 phút đến khi hỗn hợp chuyển sánh lại sền sệt thì tắt bếp rồi đổ ra khay vuông. Chờ bánh nguội xong mẹ cắt nhỏ thành các miếng vừa miệng để bé dễ ăn mẹ nhé!
2. 5 món bánh ăn dặm cho bé 7 tháng đến 1 tuổi
2.1. Bánh pudding xoài
Bánh pudding xoài với hương thơm của xoài và sữa, vị dai dai như thạch rau câu sẽ là một bữa phụ lý tưởng cho bé từ 7 tháng tuổi. Món bánh còn cung cấp nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng còn non yếu cho bé yêu nhà mình. Cách làm rất đơn giản, mẹ bắt tay vào làm cho bé luôn nhé!
Pudding xoài – bữa phụ hấp dẫn cho bé yêu ăn dặm
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 2 chiếc bánh: một nửa quả xoài chín ngọt cỡ vừa, 2 thìa cà phê gelatin hữu cơ, 80ml sữa công thức hoặc sữa mẹ, nước đun sôi để nguội đến 50 độ C.
- Dụng cụ: nồi đun, nồi hấp cách thuỷ, máy xay sinh tố, 2 hũ thuỷ tinh nhỏ.
1 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Mẹ cho 2 thìa cà phê gelatin vào khay rồi đổ 40ml nước ấm 50 độ C vào khuấy đều. Sau đó cho khay vào nồi hấp cách thuỷ để gelatin tan hết thì tắt bếp.
- Bước 2: Xoài mẹ gọi vỏ, cắt nhỏ rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào nồi đun, giữ nhiệt độ ấm khoảng 50 – 60 độ C, không sôi.
- Bước 3: Mẹ cho 80ml sữa công thức hoặc sữa mẹ vào nồi đun nhỏ lửa đến khi sữa ấm khoảng 50 – 60 độ C.
- Bước 4: Mẹ trộn đều hỗn hợp gelatin, xoài và sữa trong 3 phút rồi chia vào 2 hũ thuỷ tinh để vào tủ lạnh trong 2 giờ.
Lưu ý: Mẹ nên lựa chọn gelatin hữu cơ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con. Sau khi làm xong, bánh pudding để quá lâu trong tủ lạnh sẽ bị cứng, bé khó nhai nên sau 2 giờ mẹ nhớ để bánh ra ngoài cho con ăn nhé.
2.2. Bánh flan sữa mẹ
Với vị sữa thanh ngọt thơm ngon cùng nguồn protein dồi dào, bánh flan sữa mẹ hẳn sẽ là món bánh ngọt ngào tình yêu thương của mẹ dành cho bé. Nguyên liệu làm bánh cực đơn giản, mẹ không cần phải cầu kỳ chế biến đâu ạ!
Bánh flan sữa mẹ béo ngậy – món ăn dặm bé yêu thích
1 – Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 2 chiếc bánh: 1 lòng đỏ trứng gà, 60ml sữa mẹ.
- Dụng cụ: rây lọc, nồi hấp, nồi đun, 2 hũ thuỷ tinh.
2 – Cùng bắt tay vào làm thôi ạ:
- Bước 1: Mẹ dùng thìa khuấy tan lòng đỏ trứng.
- Bước 2: Đặt 60ml sữa mẹ lên nồi đun lửa vừa đến khi lăn tăn sôi thì tắt bếp.
- Bước 3: Sữa vừa đun mẹ đổ từ từ vào lòng đỏ trứng rồi nhẹ nhàng khuấy đều cho 2 thành phần hòa quyện vào nhau.
- Bước 4: Rây hỗn hợp phía trên qua rây lọc để loại bỏ cặn chưa tan.
- Bước 5: Mẹ chia hỗn hợp vào 2 hũ thuỷ tinh rồi đặt vào nồi hấp lửa nhỏ trong 20 phút.
Lưu ý: Trong quá trình khuấy hỗn hợp trứng sữa, mẹ nhớ nhẹ tay để tránh tạo bọt, khi hấp bánh xong sẽ bị lỗ không đẹp đâu ạ.
2.3. Bánh tôm yến mạch
Yến mạch cung cấp dồi dào chất xơ hỗ trợ hoàn thiện hệ tiêu hoá và đầy đủ các loại vitamin nhóm B giúp phát triển hệ thần kinh cho bé. Bánh tôm yến mạch là sự kết hợp hoàn hảo các thành phần tạo nên hương vị tuyệt vời mà chắc chắn bé yêu sẽ thích thú.
Bánh tôm yến mạch – bữa ăn dặm bổ dưỡng cho bé
Chuẩn bị:
- Nguyên liệu: 2 – 3 con tôm cỡ vừa đã bóc vỏ, 1/3 củ cà rốt, 1 lòng đỏ trứng gà, 2 thìa canh yến mạch cán dẹt, 3 thìa cà phê dầu oliu.
- Dụng cụ: rây lọc, máy xay, chảo chống dính.
Mẹ sử dụng rây lọc để vớt yến mạch
Cùng bắt tay vào làm nào:
- Bước 1: Mẹ ngâm 2 thìa canh yến mạch với nửa cốc nước trong để yến mạch mềm hơn. Sau 5 phút mẹ vớt ra bằng rây lọc rồi rửa sạch với nước.
- Bước 2: Tôm sau khi rửa sạch mẹ cho vào máy xay nhuyễn hoặc băm nhỏ thôi nếu bé nhà mình yêu thích các món dai dai một chút nhé.
- Bước 3: Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, băm thành các miếng nhỏ, càng nhỏ thì bé càng dễ nhai hơn đó mẹ ạ.
- Bước 4: Mẹ trộn đều yến mạch, tôm, cà rốt và lòng đỏ trứng gà vào nhau thành hỗn hợp hoà quyện đồng đều.
- Bước 5: Mẹ làm nóng chảo khoảng 3 phút rồi quét một lớp mỏng dầu oliu lên. Sau đó mẹ dùng thìa múc hỗn hợp trên vào chảo thành từng miếng bánh mỏng dẹt đường kính khoảng 4 – 5 cm. Mẹ rán lửa nhỏ, lật đều 2 mặt bánh trong khoảng 10 phút là hoàn thành.
2.4. Bánh bí đỏ phô mai
Hàm lượng cao Vitamin A có trong bí đỏ sẽ tốt cho cho thị lực và hệ thống miễn dịch của bé. Còn gì hào hứng hơn khi bé được ăn một chiếc bánh có hình quả bí đỏ xinh xinh kèm phô mai béo ngậy ở phần nhân. Mẹ áp dụng cách làm bánh bí đỏ phô mai dưới đây cho bé luôn thôi ạ!
Bánh bí đỏ phô mai – món bánh mang nhiều sức hấp dẫn cho bé
Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 5 cái bánh: 200g bí đỏ (khoảng một miếng bằng bàn tay), 5 miếng phô mai (loại hình vuông) chuyên dùng cho bé ăn dặm, 2 thìa canh bột nếp hữu cơ, 2 thìa cà phê dầu oliu.
- Dụng cụ: nồi hấp, thanh lăn làm bánh, chổi quét dầu.
Bí đỏ – Nguyên liệu gần gũi bổ dưỡng cho bé ăn dặm
Cùng bắt tay vào làm nào:
- Bước 1: Bí đỏ sau khi gọt vỏ bỏ hạt, mẹ cắt thành miếng nhỏ rồi cho vào nồi hấp khoảng 10 phút đến chín. Sau đó, mẹ cho bí đỏ vào bát nghiền nát.
- Bước 2: Vừa cho từ từ bột nếp vào bí đỏ đã nghiền nát vừa nhào trộn cho đến khi tạo thành một khối bột mềm dẻo ấn vào không dính tay. Mẹ có thể dùng thanh lăn làm bánh để cán bột cho mịn nhé.
- Bước 3: Chia khối bột phía trên thành 5 miếng nhỏ, sau đó cán dẹt từng miếng, đặt viên phô mai ở giữa rồi nặn thành hình tròn. Mẹ dùng dao tạo thành các khía dọc xung quanh để nhìn giống quả bí đỏ nhé.
- Bước 4: Dùng chổi quét một lớp mỏng dầu oliu ở mặt khay ở nồi hấp để lấy bánh ra dễ dàng. Sau đó mẹ đặt 5 bánh lên mặt khay, phết nhẹ một lớp dầu oliu lên bánh để bánh có độ căng bóng. Mẹ để lửa vừa hấp bánh trong 30 phút là có món bánh thơm ngon hấp dẫn nhé.
2.5. Bánh rán Doremon
Bánh rán Doremon là sự kết hợp hài hoà của các thành phần đơn giản, dễ kiếm nhưng mang đến một hương vị rất khác lạ, bé rất thích. Không chỉ vậy, món bánh còn cung cấp đầy đủ tinh bột, hàm lượng cao protein giúp bé thoải mái vui chơi vận động mạnh mà không lo bị đói mẹ ạ.
Bánh rán Doremon – món ăn dặm khiến bé thích thú
Chuẩn bị:
- Nguyên liệu cho 4 – 5 cái bánh: 100g bột mì, 100ml sữa công thức hoặc sữa mẹ, 3 thìa cà phê bơ lạt, 2 lòng đỏ trứng gà, 1 thìa cà phê bột nở.
- Dụng cụ: phới đánh trứng, rây lọc, chảo chống dính.
Cùng bắt tay vào làm nào:
- Bước 1: Mẹ cho 2 lòng đỏ trứng vào 100ml sữa rồi khuấy đều.
- Bước 2: Mẹ đổ hỗn hợp bột mì và bột nở đã trộn đều vào hỗn hợp trứng sữa ở bước 1 rồi dùng phới đánh trứng đánh đều tay trong 10 phút đến khi tất cả hòa quyện đều vào nhau sánh mịn.
- Bước 3: Cho hỗn hợp thu được phía trên qua rây lọc để loại bỏ các cục bột chưa tan.
- Bước 4: Mẹ làm nóng chảo bằng lửa vừa rồi cho khoảng 2 – 3 hạt đậu bơ lạt vào vừa đủ láng chảo thôi nhé. Sau 3 phút thì mẹ dùng thìa múc hỗn hợp vào chảo rán lửa nhỏ thành các miếng bánh tròn đường kính khoảng 5 – 7 cm. Khoảng 5 phút thì mẹ lật mặt bánh để bánh vàng đều 2 mặt. Mẹ cứ làm vậy cho đến khi rán hết hỗn hợp thành bánh nhé.
Bánh Doremon khiến bé thích mê
3. 9 lưu ý khi làm bánh ăn dặm cho bé
Khi tự làm bánh ăn dặm cho bé tại nhà, mẹ cần nắm vững những lưu ý sau đây để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của bé nhé!
1 – Hạn chế đường muối: Do thận của bé còn non nớt và chưa phát triển hoàn thiện hết, cho bé ăn nhiều muối sẽ làm thận phải hoạt động quá sức. Đối với đường cũng vậy, việc tiêu thụ nhiều đường sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của bé. Bản thân các thực phẩm đã có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bé rồi nên mẹ không cần nêm nếm gia vị khi chế biến cho bé đâu ạ.
2 – An toàn vệ sinh: Hệ tiêu hoá của bé yêu còn non nớt, mẹ lưu ý rửa các loại rau củ quả bằng nước rửa rau củ chuyên dụng để sạch bẩn, sạch khuẩn, bảo vệ cho hệ tiêu hoá của con mẹ nhé!
3 – Chế biến mềm nhuyễn cho con: Hệ tiêu hoá của con chưa hoàn thiện, nếu đồ ăn cứng quá sẽ gây khó tiêu, rối loạn đó ạ! Do đó, mẹ nghiền nhuyễn các nguyên liệu để đảm bảo hệ tiêu hóa của con được hoạt động tốt.
4 – Phòng tránh dị ứng: Khi cho bé ăn những thực phẩm bé chưa ăn bao giờ, mẹ nên cho bé ăn một chút ít trước rồi quan sát xem bé có phản ứng lạ nào không. Một số thực phẩm hay gây dị ứng mẹ nên cẩn trọng và hạn chế cho bé ăn: sữa bò, hải sản (tôm, cua, ngao,…), lòng trắng trứng, một số loại hạt (hạnh nhân, óc chó, đậu phộng),…
Lòng trắng trứng dễ gây kích ứng cho bé
5 – Thực đơn đa dạng: Ăn mãi một món ăn sẽ chán lắm đúng không ạ. Bé yêu cũng vậy, mẹ nên thay đổi da dạng thực đơn cho bé để bé hứng thú hơn mẹ nhé. Hơn nữa làm vậy bé cũng được cung cấp đầy đủ nhiều loại dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm hơn.
6 – Tránh các loại nguyên liệu cứng: Các loại hạt cứng như hạnh nhân, ngũ cốc, yến mạch,… bé rất khó nhai, dễ bị hóc, hoặc có thể gây táo bón nên mẹ lưu ý không sử dụng nhiều, chỉ nên cho lượng vừa đủ theo hướng dẫn thôi nhé.
7 – Làm vừa đủ cho bé: Mỗi bữa bé ăn khoảng 1 – 2 cái, ngày 2 – 3 lần, hoặc nhiều hơn phù hợp nhu cầu của bé. Mẹ làm quá nhiều bé ăn sẽ nhanh ngán mà bảo quản lâu thì không giữ được hương vị thơm ngon nữa.
8 – Điều chỉnh phù hợp khẩu vị của bé: Mỗi bé sẽ có khẩu vị khác nhau nên mẹ để ý nhu cầu của bé nhà mình để điều chỉnh một chút công thức cho phù hợp nhé. Có bé thích ăn mềm nhũn nhưng có bé lại thích ăn mềm dai đấy ạ.
Nước rửa bình sữa và rau quả Mamamy
Đọc đến đây mẹ chắc hẳn mẹ đã có thể tự tin làm bánh ăn dặm cho bé rồi. Mỗi ngày được nhìn bé ăn ngon lành những chiếc bánh mẹ tự tay làm sẽ hạnh phúc lắm mẹ nhỉ. Nếu mẹ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, hãy để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!
Tổng hợp