Cách làm Pate chi tiết
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu
Đầu tiên, bạn cần rửa sạch gan, sau đó cắt bỏ những phần mỡ, gân thừa và thái miếng có độ dày 1 cm. Sau đó, bạn đem ngâm với 100 ml sữa tươi trong 30 phút để loại bỏ mùi tanh. Tiếp đó, bạn rửa sạch với nước lạnh 2 đến 3 lần và để ráo nước.
Đối với bánh mì, bạn xé nhỏ ra và rưới phần sữa tươi còn lại cho mềm vừa phải. Bạn cũng không nên để bánh mì nhũn quá nhé. Phần bánh mì ngâm sữa này có tác dụng khử tanh cho gan và giúp tăng độ kết dính cho pate.
À bạn chú ý là sử dụng bánh mì gối trắng hoặc phần ruột bánh mì vỏ giòn bình thường chứ không dùng các loại bánh mì nhiều bơ sữa như bánh mì hoa cúc hay các loại bánh mì ngọt có nhân nhé.
Tiếp theo, bạn làm sạch bì rồi. Sau đó, bạn luộc chín mềm rồi tiếp tục rửa sạch với nước lạnh và thái nhỏ.
Bạn rửa sạch mỡ phần rồi lấy 50 g mỡ phần đem thái hạt lựu, luộc sơ. Với 200 g còn lại thì bạn thái lát to để dùng lót vào đáy bát hoặc khay để khi hấp, pate sẽ không bị khô và tăng độ ngậy.
Sau đó, bạn rửa sạch và bóc vỏ hành, tỏi, hành tây rồi băm nhỏ.
Bước 2. Xay nhuyễn hỗn hợp làm pate
Tiếp theo, bạn bắc chảo lên bếp, khi chảo nóng thì cho bơ vào rồi thêm 1 nửa hành, tỏi, hành tây băm nhỏ và phi cho thơm. Sau đó, bạn cho gan vào đảo sơ cho gan săn lại rồi đổ ra bát. Bạn thêm mắm, gia vị, hạt tiêu rồi cho rượu vào để khử mùi tanh của gan và tạo mùi hương cho pate.
Tiếp đến, bạn cho nửa hành tỏi băm còn lại và bì thái nhỏ cùng thịt băm vào chảo đảo cho thịt săn lại. Bạn nêm gia vị cho vừa ăn.
Sau đó, bạn đem toàn bộ hỗn hợp gan, thịt đi xay nhuyễn cùng với phần bánh mì đã ngâm. Bạn thêm dầu hào, nước mắm và bột canh vào hỗn hợp. Trong quá trình xay, bạn có thể nêm nếm và thêm gia vị cho phù hợp.
Bạn có thể xay hỗn hợp 2 lần cho thật mịn và đồng nhất.
Bước 3: Hấp cách thủy pate
Đầu tiên, bạn cho mỡ phần đã thái hạt lựu vào hỗn hợp vừa xay và trộn đều. Sau đó, bạn đổ vào bát to hoặc khay có lót mỡ phần ở dưới đáy vừa giúp pate có độ ngậy béo, lại có sự hấp dẫn khi úp ngược bát/ khay xuống. Bạn nhớ dàn đều phần hỗn hợp ra nhé và trải 1 ít mỡ phần thái lát lên trên để tránh làm khô mặt pate nhé
Cuối cùng, bạn đem hấp cách thủy. Nếu bạn dùng nồi hấp thông thường thì thời gian hấp dao động từ 2 đến 3 giờ. Còn nếu bạn dùng nồi áp suất thì thời gian hấp có thể ngắn hơn, chỉ khoảng 1 tiếng là pate đã rất thơm và mềm rồi.
Khi hấp, bạn nên dùng giấy bạc đậy lên trên thì nước sẽ không đọng lại và rơi xuống pate. Thời gian hấp có thể thay đổi tùy thuộc vào độ mềm béo bạn muốn hoặc số lượng pate bạn làm nhé.
Cách Làm Pate - Yêu cầu thành phẩm
Pate tạo thành một khối mềm, không nhất thiết phải kết dính nhưng không bị rã nát.
Pate thơm mùi gan hòa quyện với hành tây thơm phức, thoang thoảng mùi sữa tươi. Pate có kết cầu mềm mịn, ăn không khô nhưng cũng không bị nhão.
Những lưu ý khi làm pate
Muốn pate ngon, trước hết bạn phải mua được những nguyên liệu tươi ngon và có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo. Nếu mua ở siêu thị, mình thường chọn các sản phẩm có ngày sản xuất trùng với ngày bán. Hoặc nếu mua ở chợ thì mình thường mua lúc sáng sớm, vì trong những thời gian này, các cửa hàng đều bán các sản phẩm mới.
Bạn lưu ý khi mua gan: gan động vật khỏe có màu đỏ sẫm hoặc màu tím hồng. Khi bạn sờ tay vào sẽ thấy bề mặt có độ mềm và mịn. Khi ấn ngón tay vào bề mặt gan, bạn sẽ thấy bề mặt gan lõm xuống và giữ nguyên vết lõm khi bỏ ngón tay ra.Ngược lại, gan của động vật mắc bệnh thường có màu gạch non, màu vàng hoặc màu bạc trắng. Bên cạnh đó, khi bạn sờ vào sẽ thấy gan nhũn. Gan của động vật bị bệnh, hoặc để lâu ngày không tốt cho cơ thể. Do đó, bạn tuyệt đối không được sử dụng chúng để đảm bảo sức khỏe nhé.
Cách Làm pate - Bảo quản
Sau khi pate chín, bạn để nguội rồi bọc lại và để vào ngăn mát tủ lạnh, dùng trong 1 tuần. Bạn không nên để pate còn hơi nóng vào tủ lạnh, vì điều này sẽ làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh và khiến pate nhanh hỏng hơn.
Ngoài ra, bạn có thể bảo quản trong ngăn đông lạnh trong 1 đến 2 tháng mà vẫn giữ nguyên được hương vị ban đầu. Trước khi dùng, bạn chỉ việc rã đông trên ngăn mát sau đó chế biến hoặc làm nóng và ăn kèm với bất kì món ăn nào tùy sở thích của bạn.
Những món ăn hấp dẫn cùng pate
Bánh mì là thứ được dùng kèm nhiều nhất với pate. Với bất cứ loại bánh mì nào, bạn cũng có thể ăn cùng với món ăn thơm ngon này. Tuy nhiên, trong số các loại bánh mì thì bánh mì Việt Nam kết hợp với pate vẫn là đỉnh nhất.
Bánh mì nóng giòn được quết pate lên, cắn 1 miếng mà có cảm giác pate tan ngay khi vừa vào trong miệng. Bạn có thể ăn bánh mì với mỗi pate, hoặc có thể thêm 1 chút rau thơm để giảm vị ngán và tăng thêm hương vị cho món bánh mì.
Nếu cầu kì hơn 1 chút, bạn có thể thêm 1 số loại nguyên liệu khác làm nhân như trứng rán, bò khô, thịt quay, giò, chả quế,… rồi thêm 1 chút tương ớt, chắc chắn chiếc bánh mì của bạn ngon không kém ngoài hàng.
Bên cạnh đó, pate kết hợp với xôi nóng là món không thể không nhắc đến, đặc biệt là trong mùa đông. Dù là ăn sáng hay ăn đêm thì xôi pate luôn có 1 vị trí nhất định trong bản đồ ẩm thực Việt Nam. Cũng như bánh mì, xôi pate cũng có thể kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích, hoặc chỉ đơn thuần là xôi với pate cũng đã rất nổi bật rồi.
Pate là 1 món ăn rất dễ ăn kèm với nhiều thực phẩm khác. Ngoài ra, bạn có thể ăn cùng cơm, cơm cháy hay bánh bao,... Những món ăn kết hợp với pate rất dễ làm, bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà để thưởng thức.
Bên cạnh đó, bạn có thể dùng pate làm nguyên liệu chế biến rất nhiều món ăn ngon như: gà nấu pate, lưỡi heo nấu pate, sườn heo nấu pate, pate chưng với thịt bằm hoặc trứng chiên pate... Hương vị thơm ngon, béo ngậy của pate sẽ giúp các món ăn thêm phần hấp dẫn.
Những lưu ý khi sử dụng pate
Công thức Pate được làm chủ yếu từ gan và thịt của động vật trộn với một số gia vị. Trong 100 g pate có 319 kcal, gồm 1,5 g carbohydrate, 14 g protein và rất nhiều dưỡng chất khác.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, gan là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, độ đạm cao và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nó chứa nhiều sắt là vi khoáng cần thiết cho sự tạo máu. Do đó, ăn pate cũng giúp điều tiết chức năng tuần hoàn oxy trong máu, phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt hoặc còi xương.
Bên cạnh đó, lượng vitamin A trong gan cao hơn so với sữa, trứng, thịt, cá... Đây là 1 loại vitamin góp phần làm sáng mắt, phòng trừ bệnh khô mắt, mỏi mắt. Hàm lượng vitamin C phong phú trong pate cũng giúp tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể, chống lão hóa, ức chế các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, gan động vật cũng là nơi lọc các chất độc trong cơ thể, vì vậy không nên quá lạm dụng thực phẩm này, sẽ không tốt cho sức khỏe.
Những người không nên sử dụng pate
Phụ nữ mang thai
Tất cả các hình thức của pate (làm từ thịt, rau hoặc cá) đều chứa nhiều vi khuẩn listeria hơn so với các loại thực phẩm khác. Phụ nữ mang thai ăn quá nhiều pate có thể có các triệu chứng cảm cúm, ngộ độc. Nặng hơn có thể gây sẩy thai, sinh non, thậm chỉ là tử vong cho bé sơ sinh.
Trong gan có chứa rất nhiều vitamin A, nếu bà bầu ăn quá nhiều pate, dẫn tới lượng vitamin A dư thừa. Lúc đó cơ thể thường có các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, thai nhi cũng có thể bị biến dạng. Các bà bầu chỉ nên ăn pate 1-2 lần/ tuần để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé nhé.
Bệnh nhân cao huyết áp nên hạn chế ăn pate
Vì gan động vật là nguyên liệu chính để làm pate, là 1 bộ phận chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Vì vậy, những bệnh nhân bị cao huyết áp ăn quá nhiều pate có thể dẫn tới hiện tượng xơ vữa động mạnh và làm bệnh tim nặng hơn. Đối với những người mắc các chứng bệnh về tim mạch chỉ nên ăn pate 1 lần/ tuần để đảm bảo sức khỏe.
Cách Làm Pate- Nguồn gốc của pate
Pate trong tiếng Pháp được gọi là pâté. Từ "pâté" trong tiếng Pháp được dành riêng chỉ hỗn hợp xay nhuyễn của thịt và mỡ, có kèm gan. Pate ra đời từ việc so sánh cách làm các món ngon hàng ngày nóng hổi và các món ăn đông lạnh có từ thời xa xưa và nó được cho là 1 trong những thức ăn đông lạnh thành công nhất.
Ngoài các thành phần chính, pate còn có thể được bổ sung thêm các loại rau, gia vị, rượu vang và một số thành phần khác tùy khẩu vị.
Có 2 loại pate được phân loại theo cách chế biến, đó là pate có khuôn bọc và không có khuôn. Loại pate chúng ta thường phết bánh mì là loại không có khuôn, được làm bằng cách hấp hoặc nướng. Một loại nữa có tên là "paté en croute", nó thường được bọc trong một lớp vỏ như bánh pie và nướng.
Nhắc đến pate gan Pháp thì ai cũng sẽ nghĩ đến pate gan ngỗng trứ danh – Pâté de fois gras. Có 1 số tài liệu đã nói rằng, món pate gan ngỗng này được ra đời vào năm 1765 bởi một đầu bếp Jean Joseph Article từ Normandy – miền tây bắc nước Pháp.
Đây là một loại pate phổ biến và nổi tiếng ở Pháp, được làm từ gan ngỗng béo. Những con ngỗng này được nuôi theo kĩ thuật có nguồn gốc từ thời Ai Cập cổ đại. Hương vị của loại pate này được mô tả là béo ngậy và tinh tế, không giống như vị pate từ gan vịt hoặc gan ngỗng thông thường.
Pate được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc cùng nhiều món ăn khác như bánh mì, cà phê, bơ, bánh ngọt... Các món ăn này đều trở nên rất phổ biến và được dân gian ta biến hóa thành những món ăn mang thương hiệu riêng của Việt Nam.
Và cách làm món pate gan heo này cũng vậy. Sự kết hợp hài hòa của gan, thịt, bì, mỡ lợn, bánh mì, bơ, sữa và các loại gia vi tạo nên một món pate mềm ẩm, béo ngậy không thể cưỡng lại.
Nghĩ thôi cũng ngon hết sẩy thì tại sao bạn không bắt tay vào làm ngay?
Tổng hợp