Thị trường

Ứng dụng công nghệ tăng hiệu quả trong chăn nuôi

Ứng dụng công nghệ tăng hiệu quả trong chăn nuôi
Hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo, năm 2024, giá heo hơi trong nước sẽ cao hơn giá bình quân của năm 2023 khoảng 12%. Với giá bình quân khoảng 62 ngàn đồng/kg heo hơi, người chăn nuôi đạt lợi nhuận từ 1,5-2 triệu đồng/con heo khi bán ra thị trường.

Trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ nuôi trại kín tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ nuôi trại kín tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi ngày càng đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh như: thịt nhập khẩu, giá thành sản xuất tăng. Vì thế, ngành chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, phòng chống dịch bệnh để phát triển bền vững.

Đối mặt nhiều thách thức

Nguyên nhân giá heo hơi tăng là do nguồn cung sụt giảm chứ không phải vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng lên. Theo đó, dự báo, nhập khẩu heo sẽ tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm. Ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, năng suất đàn giống trong nước chỉ đạt 70-80% so với các nước tiên tiến trên thế giới và còn phụ thuộc giống nhập ngoại, chưa chú trọng phát triển giống bản địa gắn với thị trường. Về tổ chức sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, chăn nuôi trong khu dân cư vẫn còn phổ biến, việc phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi là chưa có quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi, thực trạng có nhiều trang trại phải di dời nhiều lần khiến tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, công sức.









 

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ trại sản xuất vịt giống tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Tôi bỏ ra gần 20 tỷ đồng đầu tư trang trại công nghệ cao sản xuất vịt giống với quy mô đàn giống bố mẹ 7 ngàn con. Do bỏ vốn lớn, tôi đã mua đất trong vùng quy hoạch chăn nuôi để đầu tư theo đúng quy định. Nhưng hiện nay, quy hoạch về chăn nuôi không còn hiệu lực, cơ sở lại thuộc diện phải di dời, trong khi trang trại chưa thu hồi được vốn đầu tư nên rất khó khăn”.

Theo Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam NGUYỄN QUỐC ĐẠT, chăn nuôi Đồng Nai chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước. Năng suất chăn nuôi của tỉnh cũng đứng đầu cả nước. Tỉnh nên phát huy những lợi thế trên để chuyển đổi chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn để tăng lợi thế cạnh tranh, tham gia tốt thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nhận xét, Đồng Nai đang đẩy mạnh hoạt động kiểm tra về môi trường, di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư khiến nhiều trang trại phải tạm ngừng hoặc ngưng chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng đến tổng đàn, khiến nguồn cung thịt giảm. Theo đó, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá heo hơi tăng lên. Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn gặp khó khăn là giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao do phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam có đường biên giới quá dài, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi từ các nước vẫn khó kiểm soát, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong ngành chăn nuôi lớn. Để đảm bảo cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển, việc cần làm ngay là xây dựng hàng rào thương mại, đặc biệt là tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu, nhất là thịt không rõ nguồn gốc, kém chất chất lượng với giá rất rẻ.

Tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai hợp tác với nhiều đối tác thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên ngành về ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi; phòng chống dịch bệnh; kết nối thị trường với mục tiêu hỗ trợ các hộ chăn nuôi, trang trại địa phương tiếp cận các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho chăn nuôi trong nước.

Đại diện Công ty TNHH United Feed Mill Việt Nam (ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Gần đây, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm nhẹ. Doanh nghiệp cũng đang tìm nhiều giải pháp để giảm giá các loại thức ăn chăn nuôi. Dự báo trong thời gian tới, thị trường các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang trên đà giảm, góp phần hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi, mang lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi”.

Chỉ ra cơ hội và giải pháp tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Quốc Đạt so sánh, Việt Nam gần như đứng đầu Đông Nam Á về chăn nuôi heo, chăn nuôi thủy cầm. Với hơn 100 triệu dân và đông đảo khách du lịch đến Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt ở thị trường trong nước còn rất lớn. Vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần vào sự ổn định của thị trường tiêu thụ. 

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều quan trọng đầu tiên là phải có quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi. Ngành chăn nuôi cũng cần tổ chức lại khâu sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ và có sự liên kết với các hộ chăn nuôi. Một tín hiệu đáng mừng về con giống là Việt Nam đã nhập về những bộ giống tốt nhất trên thế giới. Chăn nuôi trong nước cũng đã ứng dụng những công nghệ hiện đại trong các khâu, từ đầu tư trang trại đến quy trình chăn nuôi.

Tuy nhiên, hiện việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn trải qua quá nhiều khâu trung gian. Vì thế, phải quản lý được hệ thống giết mổ, chế biến, rút ngắn các khâu trung gian. Như vậy sẽ tăng lợi nhuận cho ngành chăn nuôi. Nếu ứng dụng đồng bộ về công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, tăng nội địa hóa trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Việt Nam sẽ từng bước tăng được năng suất tiệm cận với các nước hiện đại. Các nước ở châu Á tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất lớn. Khi an toàn dịch bệnh được đảm bảo, giá thành chăn nuôi cạnh tranh, đầu tư chế biến sâu thì Việt Nam sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu để chăn nuôi phát triển bền vững hơn.

Theo Báo Đồng Nai

Đang xem: Ứng dụng công nghệ tăng hiệu quả trong chăn nuôi

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng