Từ những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, hằng năm phải lo lắng việc heo rớt giá hoặc chờ giải cứu, họ đã trở thành những nông dân “công nghệ” với chuồng trại quy mô lớn, nuôi hàng ngàn con heo mỗi năm, làm giàu từ nghề nông. Đó là nhờ mô hình liên kết chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đổi đời nhờ chăn nuôi gia công
Tốt nghiệp cao đẳng tại TP HCM nhưng anh Nguyễn Đức Cường (sinh năm 1990, tại Bình Phước) quyết định không xin việc làm nơi thành thị mà về quê làm nông nghiệp.
Vốn có kiến thức, anh Cường không muốn tiếp tục làm nông kiểu cũ như cha mẹ vì tốn nhiều công sức mà thu nhập bấp bênh nên anh bỏ thời gian tìm hiểu các mô hình làm kinh tế cho hiệu quả bền vững. Sau 1 thời gian tìm hiểu, Cường thấy nhiều gia đình nhờ nuôi heo thương phẩm cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam theo hình thức ký hợp đồng mà có thu nhập ổn định. Sau đó, Cường quyết định tìm đến C.P. Việt Nam chi nhánh tại Bình Phước đặt vấn đề liên kết nuôi heo.
Hệ thống nuôi heo bằng chuồng lạnh của C.P. Việt Nam
Anh Cường cho biết: "Theo hợp đồng, C.P. Việt Nam đầu tư cho tôi heo giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, tôi chỉ bỏ công nuôi. Sau thời gian hợp tác, tôi thấy nuôi heo theo hình thức liên kết như thế này rất phù hợp với những nông dân thiếu vốn".
"Việc hợp tác như thế này giúp hai bên cùng có lợi. Người nông dân vừa có cơ hội tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vừa yên tâm sản xuất mà không phải lo giá thị trường biến động vì có công ty bao tiêu sản phẩm", anh chia sẻ thêm.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn heo của gia đình anh Cường luôn được công ty đánh giá đạt chất lượng cao. Theo anh, cứ 1 kg heo hơi thì anh được công ty trả 3.000 đồng tiền công nuôi. Công ty chấp nhận tỉ lệ heo chết cho phép là 2%, nếu thấp hơn công ty sẽ thưởng thêm 300 đồng/kg heo hơi xuất bán. Mỗi năm anh nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 5 tháng, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), mô hình chăn nuôi heo gia công cho doanh nghiệp cũng đang giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Chị Ngô Thị Chúc (thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến) cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu nuôi heo gia công cho C.P Việt Nam từ năm 2006. Doanh nghiệp cung cấp heo giống là 5 kg/con, cung cấp thức ăn cho heo, vắc xin và có bác sĩ thú y đến kiểm tra bệnh tật định kỳ, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi... nên rất yên tâm. Gia đình chỉ bỏ công sức lao động. Sau khi thả con giống được khoảng 5 tháng, tức là cân nặng heo đạt từ 1-1,2 tạ/con, doanh nghiệp sẽ đến cân, thu mua hết số heo được nuôi".
Hiện trang trại của nhà chị Chúc đang nuôi 1.300 con heo, trung bình mỗi năm nuôi được 2 lứa. Với 1.300 con heo/lứa, mỗi năm trung bình gia đình chị Chúc được doanh nghiệp trả 400 triệu đồng, trừ mọi chi phí, chị thu về hơn 300 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình ổn định, khấm khá hơn nhiều.
Cũng hợp tác chăn nuôi heo gia công cùng C.P. Việt Nam, ông Trần Văn Xông (Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) rất yên tâm vì công ty này lo hết từ đầu vào đến đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật… Thấy thành công, đến nay ông Xông đã mở rộng quy mô chuồng trại lên đến 3.000 con/năm, thu nhập hằng năm của gia đình thuộc diện khá giả tại địa phương.
Hàng ngàn nông hộ đang hưởng lợi
Qua nhiều năm chuyển giao kỹ thuật và liên kết sản xuất cùng nông dân, mô hình chăn nuôi khép kín của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cho đến nay, mô hình này đã trở thành lựa chọn của nhiều nông dân nghèo muốn thay đổi cuộc sống.
Không chỉ vậy, khi có nguồn lợi lớn, những hộ nhận nuôi heo gia công cho C.P. Việt Nam bắt đầu tăng quy mô chuồng trại và tuyển thêm nhân công, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.
Chẳng hạn như hộ ông Nguyễn Ngọc Nghiệp (ngụ khu 10, xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) mấy năm gần đây vẫn duy trì đều đặn mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 3.000 con. Ông thuê nhiều lao động tại địa phương hỗ trợ công việc. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm ông đều đặn thu nhập trên 500 triệu đồng mặc cho giá heo hơi bấp bênh. Theo ông Nghiệp, mô hình trang trại nuôi heo gia công cho C.P. Việt Nam đã giúp ông thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động khác trong địa phương.
Trang trại heo của ông Nguyễn Ngọc Nghiệp nuôi gia công với C.P. Việt Nam
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam, cho biết: "Hiện tại, C.P. Việt Nam có hơn 19.000 lao động là người Việt Nam trong tổng số 20.000 lao động của công ty và hàng trăm ngàn người dân đang tham gia trong chuỗi giá trị của hệ thống sản xuất: thức ăn chăn nuôi - trại chăn nuôi - chế biến thực phẩm".
"Trải qua 25 năm thành lập và phát triển, C.P. Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi Việt Nam để nâng cao năng suất chăn nuôi. Đồng thời, chúng tôi tổ chức hoạt động chăn nuôi gia công với người dân Việt Nam với những mô hình mẫu áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật chăn nuôi, tạo động lực phát triển nhanh ngành chăn nuôi Việt Nam", ông Montri cho biết thêm.
Đánh giá về mô hình này, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Chúng tôi đang khuyến khích nông dân tham gia chăn nuôi gia công, liên kết cùng các công ty nông nghiệp có tiếng. Điều này sẽ giúp người dân đảm bảo được đầu ra, tránh tình trạng xấu khi thị trường biến động".
Theo Báo Người Lao Động
Viết bình luận