Từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nay Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi heo đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt so với thế giới (năm 2022). Cùng với đó, ngành chăn nuôi heo của Việt Nam cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp hóa.
Chăn nuôi trang trại và công nghiệp áp đảo
Chưa bao giờ, ngành chăn nuôi heo lại chứng kiến quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi nhanh đến vậy, khi mà khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ (vốn là đặc trưng của chăn nuôi heo Việt Nam) ngày càng thu hẹp. Thay vào đó, những trang trại chăn nuôi quy mô lớn và rất lớn, được đầu tư công nghiệp, bài bản, hiện đại, chú trọng yếu tố môi trường ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, GREENFEED, Trường Hải, Hòa Phát…) và các doanh nghiệp FDI (C.P, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest…) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).
Cả nước có 467 cơ sở sản xuất và cung cấp heo giống với 240 cơ sở nuôi giữ heo nái giống cụ kỵ (GGP), ông bà (GP), trong đó các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước có 116 cơ sở với tổng đàn nái trên 48.000 con, chiếm 48,3% tổng cơ sở giống và 35,0% tổng đàn nái GP, GGP trong cả nước.
Các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed …) có 124 cơ sở với tổng đàn nái có trên 89.000 con, chiếm 51,6% tổng số cơ sở giống và 65,0% tổng đàn nái GP, GGP của cả nước. Năm 2022, cả nước có khoảng 74.900 con ho đực giống. Trong đó, số heo đực sản xuất tinh để phối giống nhân tạo là 35.900.000 con (chiếm 48,0%); đàn heo đực giống phối trực tiếp là 38,9 nghìn con (chiếm 52,0%), chủ yếu nuôi trong dân.
Cơ cấu nguồn cung thịt heo năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43% (theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank -VCBS) .
Đối với cơ cấu đàn heo nái trong các loại hình chăn nuôi heo, năm 2022, đàn heo nái sinh sản ước đạt 3,03 triệu con, tăng 8% so với năm 2021. So với năm 2016 – năm đàn heo nái đạt đỉnh với 3,6 triệu con thì quy mô đàn nái của các công ty đã mở rộng gấp hơn 2 lần. Trong đó, khu vực công ty đóng góp 37,2% tổng đàn nái nhưng do hiệu suất sinh sản của nái cao và điều kiện chuồng nuôi tốt hơn nên khu vực này đóng góp 47% tổng lượng heo thịt xuất chuồng năm 2022 (tương ứng 19 triệu con so với tổng số 41 triệu con xuất chuồng, tăng hơn 18% so với năm 2021).
Chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 60-65%.
Chăn nuôi heo đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, tự động hóa, hiện đại hóa trong các khâu nhằm giảm được công lao động, giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn, giảm giá thành so với phương thức chăn nuôi truyền thống như: ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và khai thác tại trang trại chăn nuôi; tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi; xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi heo nhà nhiều tầng…
Trên thực tế, hiện nay ngành chăn nuôi đã chứng kiến sự hình thành và đưa vào hoạt động của nhiều dự án chăn nuôi với quy mô 10.000 nái, hàng chục ngàn heo thịt… tập trung ở một số tỉnh còn quỹ đất rộng như tại vùng Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc…
Chăn nuôi nông hộ bị khối FDI lấn lướt?
Theo Cục Chăn nuôi, xu hướng tất yếu của chăn nuôi heo hiện nay là chuyển từ chăn nuôi heo nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi heo có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trao đổi với Chăn nuôi Việt Nam, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, trước những tác động của ASF, dịch bệnh Covid-19 trên người, thị trường chăn nuôi thiếu ổn định, áp lực xử lí môi trường, đứt gãy nguyên liệu đã sức ép lên chăn nuôi nông hộ…. Chăn nuôi nông hộ, trang trại vừa và nhỏ là mắt xích yếu nên dễ tổn thương nhiều nhất, nên tỉ lệ giảm đi nhanh chóng.
“Đó là điều tất yếu của ngành chăn nuôi, nhưng khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ giảm nhanh hơn so với chúng ta dự liệu. Đây là điều bất thường, đáng phải suy nghĩ; cũng phản ánh chăn nuôi nông hộ bị chăn nuôi công nghiệp, đặc biệt là khối FDI lấn lướt. Cơ cấu chăn nuôi thay đổi sẽ sắp xếp lại trật tự, thị trường chăn nuôi. Điều này cũng thể hiện ưu thế của chăn nuôi lớn, chăn nuôi công nghệ cao về năng suất, giá thành.”
Bài toán đặt ra, là sứ mệnh chăn nuôi là an ninh dinh dưỡng cho đất nước, xã hội và sinh kế nông dân. Với những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ không thể một sớm, một chiều chuyển đổi sang các công việc khác, làm sao giải quyết công ăn việc làm cho họ là vấn đề đặt ra. Trước hết, cần tổ chức chăn nuôi nông hộ vào các chuỗi liên kết, mà đứng đầu là doanh nghiệp, hiệp hội; hỗ trợ họ chuyển sang dịch vụ chăn nuôi..
“Chăn nuôi là quyền lợi chính đáng của người chăn nuôi; hộ không nuôi được thì cần chuyển nghề sinh, đảm bảo sinh kế, trật tự xã hội cần tính đến. Việc này không chỉ có Bộ NN&PTNT mà liên quan đến Bộ Lao động Thương binh và xã hội” TS Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Có một thực tiễn cần nhìn nhận, đó là, ngành chăn nuôi chuyển sang quy mô lớn, các ngành đi kèm như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phải thay đổi và đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ, chuyển dịch sang quy mô lớn hơn, đầu tư bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn cả về sản xuất và dịch vụ. Nhưng thực tế, nhân sự cho ngành chăn nuôi thú y lại đang có những bất cập giữa đào tạo, định hướng nghề nghiệp chưa theo kịp xu hướng dịch chuyển, phát triển của ngành.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vet24h, các trang trại tư nhân, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư lớn sẵn sàng thuê đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và tay nghề cao là các Bác sỹ thú y, Kỹ sư chăn nuôi để vận hành sản xuất của trại và trả lương cao, chia sẻ lợi nhuận nhưng vẫn thiếu trầm trọng vì không có người để tuyển, các bạn ra trường vẫn thích làm kinh doanh (sales) hơn, định hướng làm trang trại (farm) ít nên càng thiếu….
Các công ty sản xuất TĂCN cũng chuyển đổi dần từ kênh đại lý sang tập trung bán trại lớn và phát triển hệ thống trang trại tự chăn nuôi, do đó cắt giảm nhân sự mảng thị trường (chỉ giữ lại nhân viên kinh doanh tốt mang lại sản lượng và doanh số), tăng cường tuyển dụng nhân sự làm kỹ thuật để tư vấn, hỗ trợ các trang trại của khách hàng và vận hành trại của công ty dẫn đến nhu cầu nhân sự kỹ thuật tăng lên.
Cùng với xu thế đó, các công ty thuốc và vắc xin cũng phải chuyển đổi theo ngành chăn nuôi: kênh đại lý nhỏ lẻ giảm đi, kênh khách hàng trang trại, khách hàng công ty lớn tăng lên dẫn tới cắt giảm nhân sự kinh doanh thuần tuý, tăng nhân sự kỹ thuật có trình độ cao để hỗ trợ và tư vấn giải pháp cho khách hàng.
Do đó, nhu cầu nhân sự cho mảng kỹ thuật làm việc trong các trang trại của các công ty, tập đoàn là rất lớn và đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và có kinh nghiệm vận hành sản xuất các trang trại quy mô lớn.
Đồng thời nhóm nhân sự tham gia trực tiếp và chiếm tỷ lệ >90% tại các trang trại là công nhân chăn nuôi cũng đang thiếu hụt trầm trọng, rất khó tuyển và không gắn bó lâu dài do những đặc thù của ngành như trang trại thường ở rất xa trung tâm, yêu cầu về an toàn sinh học nên ít được về nhà… mặc dù mức thu nhập tương đối tốt (từ 7 – 10tr/tháng, được hỗ trợ ăn ở).
Tất cả những điều trên dẫn tới thiếu hụt trầm trọng nhân sự các cấp: Quản lý kỹ thuật, quản lý trại, kỹ thuật trại … Các vị trí cấp trung cấp cao như: Giám đốc kỹ thuật, giám đốc sản xuất, giám đốc sức khoẻ vật nuôi…nhóm nhân sự này ngày càng thiếu hụt và cực hiếm.
ÔNG PHẠM KIM ĐĂNG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI: Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không mất đi hoàn toàn
Phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.
TS NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, CHỦ TỊCH HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM: Khẳng định vai trò đồng hành cùng người chăn nuôi nhỏ lẻ
Hội sẽ tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật để nâng trình độ cho chăn nuôi nông hộ; khuyến khích, thúc đẩy giao lưu liên kết, chia sẻ trong nội khối, hỗ trợ các thành viên thành viên của Hội để giảm giá thành, chi phí trong chăn nuôi. Cùng với đó, tích cực kiến nghị Nhà nước: (1) Tăng cường những chính sách để giảm rủi ro cho người chăn nuôi để họ có điều kiện tái đầu tư như: lãi suất tín dụng, quỹ đất, kiểm soát điều kiện cơ sở chăn nuôi hài hòa với thực tiễn; (2) Kiểm soát tốt dịch bệnh, vấn đề nhập khẩu, nhập khẩu khẩu tiểu ngạch, vật nuôi sống qua biên giới; (3) Hỗ trợ xúc tiến thương mại mà Việt Nam có thế mạnh như sản phẩm qua chế biến, đặc hữu của chăn nuôi nhiệt đới…
ÔNG VŨ ANH TUẤN, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P VIỆT NAM: Nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững phải liên kết với nhau
Nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững phải liên kết với nhau, trở thành thành viên của các tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Chăn nuôi gia công hiện nay hầu hết là người chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc những người ngoài ngành tìm đến liên kết với các doanh nghiệp, việc liên kết này là xu hướng tất yếu và các nước có nền chăn nuôi phát triển đã thực hiện điều này từ lâu. Việt Nam chắc chắn cũng không ngoài xu hướng đó. Bởi lẽ, chăn nuôi theo chuỗi thì mới nâng cao được sức cạnh tranh đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn sinh học dịch bệnh cũng sẽ tốt hơn.
Theo Tạp Chí Chăn Nuôi
Viết bình luận