Trại chăn nuôi gà đẻ tại Bình Phước của Tập đoàn Hùng Nhơn. |
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2023 tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi với quy mô lớn, trang trại công nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần được thu hẹp. Hiện nay, tỉnh có 494 trang trại, gồm 406 trang trại chăn nuôi lợn, 88 trang trại chăn nuôi gia cầm; trong đó, tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 67%; các trang trại lợn, gà chủ yếu là nuôi gia công hoặc cho các công ty, tập đoàn thuê chăn nuôi như: CP, Làng Sen, Vietswan, Sunjin, Japfa, New Hope, Hòa Phước, Velmar, BaF Việt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả phương châm “2 nhanh, 3 tốt” trong thu hút đầu tư (giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh; chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt). Đối với ngành chăn nuôi, tỉnh ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi hướng đến chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, bảo đảm môi trường; đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Những năm qua, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đáng chú ý, trại lợn quy mô 10.000 con lợn nái của công ty với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đang là nơi cung ứng con giống có chất lượng tốt nhất cho thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu. Để hoàn thiện chăn nuôi theo chuỗi giá trị, Bình Phước kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ. Với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghiệp, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Tập đoàn Japfa Comfeed Việt Nam đã xây dựng hai nhà máy tại Khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản). Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed-Farm-Food (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn), góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi tại Bình Phước. Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam Arif Widjaja cho biết: “Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước giai đoạn 1 đạt công suất 240.000 tấn/năm với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2, chúng tôi tăng công suất lên 480.000 tấn/năm, bảo đảm cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cho thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nhà máy giết mổ gia cầm của chúng tôi cũng đạt công suất 60.000 con/ngày, với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Sự có mặt của Japfa Việt Nam tại Bình Phước sẽ góp phần phát huy thế mạnh của địa phương về chăn nuôi lợn, giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động tại
địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu”.
Khi Bình Phước đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, người nông dân cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Đơn cử như anh Đỗ Mạnh Tường ở xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản là một trong những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sớm chuyển đổi sang chăn nuôi gà trắng thương phẩm hiện đại. Đến nay, khu chuồng trại được đầu tư rộng rãi, sạch sẽ; trang bị đầy đủ hệ thống cảm biến nhiệt độ, đèn điện, quạt thông gió, máng ăn tự động, camera giám sát... giúp cho những người nông dân thời công nghiệp 4.0 như anh Tường có thể dễ dàng vận hành sản xuất một cách hiệu quả. Anh Đỗ Mạnh Tường cho biết, để có trang trại như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực thay đổi mạnh mẽ hình thức sản xuất. Chăn nuôi khép kín sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó nâng cao năng suất trong chăn nuôi. Hiện nay anh Tường đang liên kết nuôi gà lông trắng với Công ty De Heus. Khi liên kết chăn nuôi, người nông dân chỉ phải bỏ vốn xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn và nhân công; phía đơn vị hợp tác sẽ cung ứng từ con giống đến thức ăn, thuốc bảo vệ gia cầm đến bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết trong chăn nuôi giúp người nông dân không phải lo nhiều về vấn đề kỹ thuật, bởi hằng tuần, phía đơn vị hợp tác sẽ cử nhân viên đến kiểm tra mức độ sinh trưởng của gà và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để gà phát triển tốt nhất.
Để ngành chăn nuôi thực sự phát triển bền vững, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn chăn nuôi lợn hơn 2,7 triệu con, đàn gia cầm hơn 18 triệu con, đàn trâu, bò hơn 60.000 con; năm 2030 đàn lợn hơn 3,2 triệu con, đàn gia cầm hơn 27 triệu con, đàn trâu bò hơn 70.000 con. Để làm được điều này, tỉnh đề ra giải pháp quan trọng là, đẩy mạnh việc xây vùng an toàn dịch bệnh. Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng thành công vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh đạt các điều kiện xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của cả nước.
Theo Báo Bình Phước
Viết bình luận