Lô gà đầu tiên (8 tấn) là sản phẩm chế biến, trị giá khoảng 50.000 USD sẽ được CP Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, vào ngày 23/12 tới…
Ông Wichan Chumnanya - phó Tổng Giám đốc ngành xuất khẩu thực phẩm (Công ty TNHH CPV Food) - cho biết: Việc xuất khẩu lô gà đầu tiên này đánh dấu việc khánh thành Tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn CP.
Những sản phẩm gà chế biến được đóng hộp để chuẩn bị xuất khẩu (Ảnh: Quốc Hải)
"Hiện, CP Việt Nam đang đàm phán để xuất khẩu qua các nước như : Nhật Bản, Nga… với những lô hàng thịt gà chế biến trị giá hàng trăm nghìn USD" - ông Wichan Chumnanya, nói.
Nhà máy chế biến gà xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á
Theo ông Wichan Chumnanya, dự án Tổ hợp nhà máy chế biến gà xuất khẩu CPV Food Bình Phước có số vốn đầu tư 250 triệu đô la Mỹ. Công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm (sau năm 2023), do Tập đoàn CP thực hiện. Đây là dự án được đánh giá mang tầm quốc tế, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong ngành chăn nuôi Việt Nam.
Cụ thể, dự án là Tổ hợp khép kín gồm: 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 trại gà giống bố mẹ, 1 nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ - chế biến thịt gà.
"Dự án đầu tư chăn nuôi và chế biến gà xuất khẩu lần này là một trong số những dự án rất lớn và quan trọng của C.P khi đầu tư phát triển tại Việt Nam. Bởi, đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của Việt Nam với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
CPV Food Bình Phước bắt đầu đi vào vận hành và có lô gà xuất khẩu đầu tiên từ năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm từ gia cầm lớn trên thế giới", ông Wichan Chumnanya, chia sẻ.
Công nhân nhà máy chế biến thịt gà đang xử lý thành phẩm đế đóng hộp (Ảnh: Quốc Hải)
Còn theo ông Montri Suwanposri - Tổng Giám đốc CPV: Với thế mạnh và kinh nghiệm thành công trong việc xuất khẩu thịt gia cầm trên 20 năm của Tập đoàn CP; chúng tôi mạnh dạn đặt ra sứ mệnh của Dự án chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà từ Việt Nam. Đó là "Nâng cao chất lượng thực phẩm Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ các nước xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu trên thế giới".
Để làm được điều này, Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước phải tuân thủ truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ đầu nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cho đến sản phẩm chế biến,… Cùng với các giải pháp đồng bộ về môi trường, phúc lợi động vật,… đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe từ các nước nhập khẩu cao cấp.
Xe bồn nhận cám tự động từ nhà máy sản xuất để cung cấp cho các trang trại chăn nuôi gà thuộc hệ thống (Ảnh: Quốc Hải)
Cụ thể, dự án được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2019- 2023) được thực hiện trên 6 địa phương thuộc tỉnh Bình Phước bao gồm: TP.Đồng Xoài, thị xã Bình Long, huyện Đồng Phú, huyện Chơn Thành, huyện Hớn Quản, huyện Bù Đăng, với quy mô 50 triệu con gà thịt/năm. Giai đoạn 2 sau đó sẽ nâng công suất lên 100 triệu con gà thịt/năm.
Vì sao CP chọn Bình Phước ?
Giải thích lý do Tập đoàn CP đặt dự án tổ hợp nhà máy chế biến gà xuất khẩu tại Bình Phước, ông Montri Suwanposri - Tổng Giám đốc CPV cho hay: Hiện nay, 6 huyện/thị xã/thành phố trên của tỉnh Bình Phước đã được Tổ chức thú y thế giới OIE công nhận là "Vùng an toàn dịch bệnh" đầu tiên tại Việt Nam. Ở mỗi địa phương, CPV Food đã xây dựng hệ thống chuồng trại sản xuất an toàn dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả gà theo tiêu chuẩn của tổ chức thú y thế giới.
Cụ thể, thiết lập tích hợp cơ sở an toàn dịch bệnh đối với nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, trại gà giống, nhà máy ấp trứng gia cầm, trại chăn nuôi gà thịt, nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm. Những yếu tố này là tiền đề quan trọng góp phần đưa thịt gà mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới.
Ngoài ra, dự án này còn mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh như: Tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do quy hoạch chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung và cách xa khu dân cư; tư vấn miễn phí và hỗ trợ công tác phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo năng suất chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng; tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi – thú y; nâng cao nhận thức về an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi; lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm miễn phí bệnh cúm gia cầm và dịch tả gà để giám sát bệnh.
Đặc biệt, hỗ trợ miễn phí công tác tiêu độc khử trùng 3 lần/năm để giảm thiểu tối đa áp lực mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi.
Quy mô dự án lên tới 250 triệu USD (Ảnh: Quốc Hải)
"Bình Phước chính thức trở thành chỉ dẫn địa lý đầu tiên về sản phẩm gia cầm xuất khẩu của Việt Nam. Đây sẽ là bệ phóng để tỉnh Bình Phước trở thành thủ phủ chăn nuôi gia cầm xuất khẩu, tạo đòn bẩy thúc đẩy nhiều tỉnh thành nữa tại Việt Nam phát triển ngành gia cầm. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu uy tín trên thế giới" - ông Montri khẳng định.
Được biết, Tổ hợp nhà máy chế biến gà xuất khẩu gà Bình Phước sẽ cung cấp sản phẩm thịt gà phục vụ mục tiêu xuất khẩu sang các trị trường trọng điểm như Nhật Bản (45%), Châu Âu (35%), Châu Á (10%) và Trung Đông (10%).
Dự án kỳ vọng sẽ đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu đô la Mỹ/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu đô la Mỹ/năm trong giai đoạn 2.
Theo Quốc Hải/ Dân Việt
Viết bình luận