Hoạt động

Hình mẫu về ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi ở miền Tây

Hình mẫu về ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi ở miền Tây

Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của ông Lê Trọng Nghĩa, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước được ngành chức năng địa phương đánh giá cao.

Đầu tư 20 tỷ chăn nuôi công nghệ cao

Sau nhiều năm gắn bó với công việc làm thuyền trưởng, năm 2017 ông Lê Trọng Nghĩa (quê ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) quyết định lên bờ lập nghiệp, về lại với ruộng vườn, gắn bó với quê hương xứ sở.

Năm đó, ông Nghĩa về ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh huyện Tân Phước, một vùng đất dân cư còn thưa thớt, khá xa các khu đô thị mua mảnh đất rộng 6ha để đầu tư trang trại chăn nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội nhưng vẫn đảm bảo môi trường.

Buổi đầu chân ướt chân ráo nên ông đi các nơi để tham quan học tập, tìm hiểu nghề chăn nuôi. Sau đó, ông Nghĩa nhận thấy việc đầu tư trang trại nuôi gia công cho doanh nghiệp là hình thức ít rủi ro nhất trong xu hướng hiện nay. Qua tham quan nhiều mô hình, ông quyết định lựa chọn hợp tác với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam để khởi nghiệp.

Túi thu hồi khí biogas khổng lồ hàng trăm m3 trang trại chăn nuôi của ông Lê Trọng Nghĩa. Ảnh: Minh Đảm.

Sau nhiều lần đầu tư mở rộng, hiện nay trang trại gồm 2 khu chăn nuôi heo và gà với diện tích khoảng 10.000m2. Khu nuôi heo gia công rộng khoảng 8.000m2, gồm 3 dãy chuồng, nuôi được 2.500 con. Còn lại, khu chăn nuôi gà (tự nuôi, tự bán) với 2 dãy chuồng, nuôi được 20.000 con.

Các Khu nuôi được thiết kế hoàn toàn khép kín, có máy điều hòa nhiệt độ, đảm bảo an toàn sinh học tốt nhất cho vật nuôi.

“Trại nuôi khép kín đến 95%, có hệ thống đo nhiệt độ tự động. Khi heo con 5kg, máy chuyển sang chế độ sưởi ấm, nhiệt độ chuồng 33-34 độ, sau heo lớn sẽ hạ nhiệt dần về đến 28 độ. Đối với gà, nhiệt độ cao hơn, khi gà mới từ lò ấp về sẽ sưởi ở  36 độ C, sau mới giảm dần. Công nhân vào thì không ra, đã ra không vào nữa”, ông Nghĩa nói.

Tổng chi phí đầu tư cho trang trại đến nay khoảng trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nghĩa tiết lộ đã hoàn vốn và bắt đầu sinh lời.

Ứng dụng nguyên lý tuần hoàn trong chăn nuôi

Xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề trọng yếu của ngành chăn nuôi. Đối với chất thải của heo, ngay từ những ngày đầu, ông sử dụng các túi nhựa khổng lồ hàng trăm m3 để thu khí biogas tránh ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, lúc này khí gas chỉ được đốt bỏ chứ chưa được sử dụng hiệu quả. Cách đây hai năm, qua học hỏi kinh nghiệm từ người quen, ông tiếp tục đầu tư 350 triệu đồng mua máy đốt gas phát điện với công suất 500HP (mã lực).

Từ khi đưa vào vận hành, mỗi tháng máy cung cấp cho cả hệ thống thiết bị sử dụng điện của trang trại lượng điện năng từ 5.000 - 6.000 kWh, qua đó giúp tiết kiệm được khoảng 30% chi phí tiền điện. Hiện, hóa đơn tiền điện hàng tháng đã giảm còn 50 triệu đồng, giảm 20-30 triệu đồng so với trước.

Ông Nghĩa đầu tư 350 triệu đồng mua máy phát điện từ khí gas. Ảnh: Minh Đảm.

Chất thải rắn từ các túi chứa biogas được đưa vào ao lắng có diện tích trên 5.000m2 (độ sâu từ 2 - 3m), giúp giải quyết tốt vấn đề môi trường. Ngoài ra, ông Nghĩa còn tiến hành nghiên cứu sử dụng chất thải lắng đọng dưới đáy ao làm vật liệu san lấp (đã thử nghiệm thực tế cho kết quả nhất định).

Bên cạnh đó, ông còn đầu tư thiết bị ép phân heo lấy thu hồi chất hữu cơ bán cho người dân có nhu cầu làm phân bón hữu cơ hoặc làm thức ăn cho trùn quế, riêng phần chất lỏng được đưa vào hầm biogas để chạy máy phát điện.

Còn đối với phân gà, ông sử dụng vỏ trấu làm chất độn nền chuồng, khoảng 1 tháng sẽ đảo lớp trấu một lần. Sau khi gà xuất chuồng (gần 2 tháng) sẽ thu dọn và cho các nhà vườn có nhu cầu ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả hệ thống mái khu trại nuôi gà, ông Nghĩa còn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 750 kWp, diện tích khoảng 2.000m2, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.

Việc đầu tư hệ thống này vừa giúp làm không gian chuồng trại mát mẻ, giảm điện năng tiêu thụ, vừa giúp ông có thêm nguồn tiền do bán điện thương phẩm cho ngành điện dao động từ 40-50 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm.       

Mạnh dạn đầu tư công nghệ là bí quyết của thành công

Tâm sự về nghề chăn nuôi sau gần 7 năm kinh nghiệm, ông Nghĩa nói, đối với con heo, hai nỗi lo lớn nhất của người chăn nuôi là dịch tả heo Châu Phi và giá thị luôn biến động khó lường, khiến người nuôi thấp thỏm như trên canh bạc.

Do đó, vấn đề an toàn dịch bệnh và đầu ra cho sản phẩm luôn được ông đặt lên hàng đầu. Hợp tác với doanh nghiệp có công nghệ chăn nuôi tiên tiếp như C.P. Việt Nam là điều khiến ông rất yên tâm.

Doanh nghiệp đầu tư, con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc phòng trị bệnh, đặc biệt là có bác sĩ thú y túc trực, thường xuyên theo dõi hỗ trợ chăm sóc vật nuôi, tiêm ngừa vacxin dịch tả heo Châu Phi.

Phần việc của người chăn nuôi là làm vệ sinh chuồng trại, tắm rửa và cho heo ăn và thực hiện nghiệm quy trình an toàn sinh học.

Heo của trại ông Nghĩa đang xuất chuồng. Ảnh: Minh Đảm.

Heo giống được nuôi từ khi mới cai sữa (5kg), nuôi trong 150 ngày heo đạt trọng lượng từ 100kg (hai cái) đến 110kg (heo đực) là xuất chuồng. Trừ đi thời gian dọn dẹp chuồng trại, cách ly mầm bệnh, mỗi năm ông nuôi được 2 lứa, mỗi lứa 2.500 con xuất bán khoảng 500 tấn heo hơi cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.

Trên gà, ông cũng cho hay áp dụng quy trình an toàn sinh học, phòng ngừa các loại bệnh thông thường theo định kỳ. Mỗi năm, ông nuôi được 4 lứa gà, cung ứng cho thị trường khoảng 400 tấn gà thịt. Hiện tại, trang trại này giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định.

Nhờ đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, mô hình đầu tư của ông Lê Trọng Nghĩa không những giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mà còn giải quyết tốt vấn đề môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Hướng sắp tới, ông Nghĩa cho hay, sẽ không đầu tư mở rộng chăn nuôi mà tập trung đầu tư công nghệ để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ông dự định sẽ đầu tư thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái chuồng heo để giảm tiền điện.

 Theo Báo Nông Nghiệp

Đang xem: Hình mẫu về ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi ở miền Tây

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng