Với đặc tính thoát nước nhanh, cát tạo môi trường khô ráo, giúp gà hoạt động và kiếm ăn dễ dàng hơn, hạn chế sự sinh sôi phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Khí hậu nắng nóng, diện tích đất cát nhiều từng là bất lợi của người dân xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhưng từ khi có mô hình nuôi gà thả vườn trên cát, những bất lợi đó đã trở thành lợi thế. Nhờ mô hình nuôi gà thả vườn trên cát, nhiều hộ dân tại xã Yên Hòa đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
Với đặc tính thoát nước nhanh, cát tạo ra môi trường khô ráo, giúp gà hoạt động và kiếm ăn dễ dàng hơn, hạn chế sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Tạo sân chơi cho gà
Tiếp cận quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm, cũng như nắm bắt xu hướng thị trường, hơn 10 năm nay, gia đình bà Trần Thị Quy ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã thành công với mô hình nuôi gà thả vườn trên cát. Bà Quy cho biết, từ năm 2011, vợ chồng bà bắt tay xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn trên diện tích 7.000m2. Đến nay, trang trại gà của bà Quy đã nâng quy mô lên 6 dãy chuồng, thả nuôi hơn 7.000 con/lứa. Mỗi năm bà thả nuôi 4 lứa, mỗi lứa nuôi từ 3 tháng trở lên là xuất bán. Với giá bán ổn định từ 65 đến 70 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình bà thu lời từ 200 - 300 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.
Bà Quy chia sẻ, ngoài định kỳ tiêm phòng các loại vacxin cho đàn gà thì chuồng trại, các máng ăn, máng uống cần phải thường xuyên vệ sinh, chùi rửa sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn tích tụ trong thức ăn thừa và nước đọng dễ khiến gà mắc bệnh. Khi nắng nóng, lại nuôi gà trên sàn cát nên người nuôi phải lưu ý bổ sung nước uống, các chất điện giải đầy đủ để tránh tình trạng gà bị thiếu nước và tăng sức đề kháng, hạn chế tình trạng gà bị stress.
Giống gà lai Hồ và gà Mía cho thịt săn chắc nên thương lái rất ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Để nuôi gà trên cát ven biển đạt hiệu quả kinh tế cao, cần phải bố trí chuồng trại cao ráo, thoáng mát, nhất là về mùa hè, có sân vườn tạo sân chơi cho gà. Khi gà con mới đưa về nuôi phải có quy trình phòng, trị bệnh cụ thể. Thời gian đầu gà còn nhỏ 2 tuần vệ sinh chuồng trại một lần, khi gà đã trên một tháng tuổi cần vệ sinh chuồng trại mỗi tuần một lần bằng cách xới xáo nền cát, dùng men vi sinh rải đều để khử mùi hôi và phân hủy phân gà thải ra.
Nuôi gà trên cát, không lo dịch bệnh
Mỗi năm, gia đình bà Trần Thị Thủy ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa thả 3 - 4 lứa gà, mỗi lứa từ 2.000 - 3.000 con trên diện tích hơn 2.500m2. Theo bà Thủy, với đặc tính thoát nước nhanh, cát tạo ra môi trường khô ráo, giúp gà hoạt động và kiếm ăn dễ dàng hơn, hạn chế sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn gây các bệnh cảm cúm, thương hàn, tiêu chảy… ở gà.
Phân gà sau khi được thải ra sẽ được cát hút hết nước khiến chúng khô lại. Việc vệ sinh chuồng gà cũng trở nên dễ dàng hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường sống của gà. Cát hấp thụ nhiệt rất tốt, vì vậy trong mùa hè cát sẽ nóng lên. Sở thích của gà là tắm cát, điều này vô tình tạo ra điều kiện lý tưởng để tiêu diệt những mầm bệnh có hại. Với những ưu điểm của mô hình này, mỗi năm gia đình bà Thủy xuất bán khoảng 20 tấn gà, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Việc nuôi thả vườn trên cát không tốn quá nhiều thời gian, nhân công chăm sóc, nhờ thế tiết kiệm được một số chi phí đầu tư. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Gia đình anh Trần Vĩnh Dũng tại thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa nuôi khoảng 4.000 con gà/lứa, nhờ nuôi gà trên cát, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá. Để gà phát triển nhanh, không bị dịch bệnh, anh Dũng chọn nuôi giống gà lai Hồ và gà Mía có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ. Định kỳ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn anh tổ chức tiêm phòng các loại vacxin cho đàn gà.
Đặc biệt vào mùa hè, để chống nóng, tạo “khu vui chơi” cho gà, gia đình anh trồng nhiều cây xanh quanh vườn. Trong quá trình chăn nuôi, để tăng nguồn thu và bảo vệ môi trường, anh Dũng thu gom phân gà, sử dụng men vi sinh khử mùi hôi, ủ thành phân hữu cơ bán cho người dân trên địa bàn phục vụ trồng trọt. Bình quân mỗi tháng anh xuất bán từ 400 - 500 bao phân, thu về 4 - 5 triệu đồng. Sau mỗi lứa gà bán đi, anh đều tiến hành rải vôi, phun thuốc khử khuẩn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả cho lứa gà tiếp theo.
Nuôi gà trên cát có nhiều ưu điểm, hạn chế được nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Mặc dù nuôi gà thả vườn tự nhiên trên cát đã hạn chế được nguy cơ dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, tuy nhiên các hộ dân ở đây vẫn rất chú trọng tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, khử khuẩn để hạn chế lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào. Vị trí nhà ở cũng được xây với khoảng cách phù hợp với khu chăn nuôi.
Để chăn nuôi gà thả vườn trên cát, chỉ cần đầu tư xây cột bê tông, kéo lưới thép vây quanh, che bạt kiên cố làm chỗ trú cho gà, đảm bảo nhiệt độ thích hợp. Việc nuôi thả vườn trên cát cũng không tốn quá nhiều thời gian, nhân công chăm sóc, nhờ đó tiết kiệm được một số chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.
Ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, xã được mệnh danh là "thủ phủ chăn nuôi gà" thương phẩm lớn nhất nhì địa bàn Hà Tĩnh. Toàn xã hiện có hơn 130 hộ nuôi gà trên cát quy mô từ 500 con/lứa trở lên, trong đó có 22 hộ đang chăn nuôi theo mô hình VietGAP. Mô hình chăn nuôi gà thả vườn trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Vùng đất cát ven biển từ bất lợi đã trở thành lợi thế khi gắn với chăn nuôi gà. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân mở rộng quy mô và phát triển chăn nuôi tập trung để hạn chế ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, xã sẽ có những phương án chỉ đạo đồng bộ cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông để hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con nuôi, đảm bảo an toàn sinh học và mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong điều kiện không có nhiều quỹ đất để phát triển trồng trọt quy mô lớn thì việc mở rộng chăn nuôi là hướng đi tốt để tạo sinh kế bền vững cho người dân ở các vùng đất cát ven biển. Với sự ổn định thị trường đầu ra về giá cả lẫn sản lượng, kỹ thuật chăn nuôi không khó, nuôi gà thả vườn trên cát là sự lựa chọn tốt để phát triển hộ kinh tế gia đình ở vùng biển bên cạnh nghề biển và cần được nhân rộng ở các địa phương ven biển Hà Tĩnh.
Theo Báo Nông Nghiệp
Viết bình luận