Thưa TS. Nguyễn Xuân Dương, ông có thể chia sẻ về những nét chính trong công tác, hoạt động của Hội Chăn nuôi Việt Nam trong năm 2023?
Năm 2023 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ VII, thực hiện Điều lệ Hội Chăn nuôi sửa đổi và Nghị quyết mới của Đại hội Đại biểu Hội Chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2022-2027. Hội Chăn nuôi Việt Nam (Hội) tập trung vào các vấn đề chính như kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện hệ thống các quy chế hoạt động phù hợp với Điều lệ sửa đổi và yêu cầu thực tiễn của công tác hội trong nhiệm kỳ mới.
Hội cũng đã đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt hội, kịp thời nắm bắt những diễn biến về sản xuất, thị trường, những chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của Hội và ngành chăn nuôi đề kiến nghị với các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Truyền thông phổ biến các quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành hay những thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật đến với hội viên và người chăn nuôi…
Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Việt Nam nhiệm kỳ VII quy tụ “tinh hoa” của ngành chăn nuôi là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người chăn nuôi
Là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ VII (2022-2027), Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có những đổi mới gì về tổ chức, cách thức hoạt động để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các hội viên, cũng như thúc đẩy sự gắn bó giữa Trung ương Hội với các thành viên của hội?
Thứ nhất, tổ chức bộ máy của Hội được tinh giản, gọn nhẹ và chuyên sâu hơn, từ chỗ có 5 ban chuyên môn, nay chỉ còn 3 ban; nhân sự của các ban chuyên môn đa dạng hơn, trong đó đặc biệt là có sự tham gia nhiều hơn của đội ngũ cán bộ đương chức trong các cơ quan, doanh nghiệp… Ban Chấp hành Hội nắm bắt sát hơn tình hình hoạt động của các Hội viên và ngành chăn nuôi. Cơ cấu hội viên và cơ cấu Ban Thường vụ cũng có nhiều thay đổi, tỷ lệ hội viên và thành viên Ban Thường vụ là doanh nghiệp, là cán bộ đương chức nhiều hơn so với các nhiệm kỳ trước đã tạo thế chủ động và tính năng động hơn trong các hoạt động của Hội.
Thứ hai, Hội cải tiến nội dung và hình thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đồng thuận, công khai, minh bạch và thiết thực hơn với hội và ngành, thể hiện ở công tác giao ban của Hội được duy trì đều đặn theo tuần, tháng, quý, năm với nội dung và nghị quyết rõ ràng. Tăng cường hơn sự phối kết hợp trong sinh hoạt và tác nghiệp giữa Hội với các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi và trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…;
Thứ ba, Hội xây dựng và triển khai “Chương trình Hội Chăn nuôi Việt Nam luôn đồng hành cùng các hội viên và người chăn nuôi cả nước”. Ngoài việc nắm bắt hoạt động của các hội viên và người chăn nuôi qua báo cáo và các kênh thông tin, Hội thường xuyên tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo Hội và các thành viên liên quan đến thăm và làm việc với các hội viên theo hình thức cuốn chiếu, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ trực tiếp đến với 30-50% số hội viên.
Hội Chăn nuôi Việt Nam thăm và làm việc với Tập đoàn Mavin tại tỉnh Nghệ An, tháng 7/2023
Thứ tư, Hội củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Hội Chăn nuôi ở các địa phương, đây đang là vấn đề tồn tại rất lớn cả về tổ chức và phương hướng, cách thức hoạt động. Năm 2023, lần đầu tiên Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội nghị “Đánh giá tình hình hoạt động và kết quả triển khai công tác hội của các địa phương khu vực các tỉnh phía Bắc”, dự kiến sẽ tổ chức hội nghị này tại các tỉnh phía Nam trong năm 2024…
Xin Ông cho biết, đâu là những hoạt động thiết thực của Hội trong năm 2023 để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người chăn nuôi nói chung và của những hội viên hoạt động liên quan tới ngành chăn nuôi nói riêng?
Hội Chăn nuôi Việt Nam là đơn vị bảo trợ cho Hội nghị khoa học Chăn nuôi Thú y toàn quốc (AVS 2023)
Cụ thể, Hội đã chủ động xây dựng nhiều văn bản, tài liệu kiến nghị hoặc phối hợp với các hiệp hội trong khối kiến nghị đến các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, tháo gỡ những bất cập cho ngành chăn nuôi và các hội viên, như: Kiểm soát nhập khẩu vật nuôi và các sản phẩm chăn nuôi; Đất cho chăn nuôi tập trung; Các chính sách thực hiện công tác di dời chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi; Chính sách khuyến khích hoạt động giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp.
Hội cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về các giải pháp phát triển chăn nuôi công nghệ cao, công nghệ sạch, tuần hoàn; xử lí chất thải trong chăn nuôi; giải pháp thay thế kháng sinh phòng và trị bệnh; thông tin thị trường cho phát triển chăn nuôi bền vững; giải pháp phát triển công nghiệp thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Vậy, theo TS Nguyễn Xuân Dương, năm 2024 phương hướng hoạt động của Hội là gì?
Năm 2024, Hội tiếp tục triển khai các nội dung và chương trình mà Nghị quyết của Đại hội và Kế hoạch hoạt động đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nội dung và chương trình công tác trọng điểm sau:
- Củng cố và phát triển hệ thống Hội, nhất là trong các doanh nghiệp và ở các địa phương;
- Kiện toàn và đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động truyền thông của Hội;
- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế;
- Nghiên cứu, khảo sát tình hình thị trường, phân tích nguyên nhân đang dẫn đến tình trạng thiểu phát một số ngành hàng trong chăn nuôi, nhất là ngành hàng thịt lợn, thịt trâu bò, gia cầm để có những kiến nghị các giải pháp chính sách tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, hội viên doanh nghiệp;
- Triển khai công tác chuẩn bị các nội dung cho việc tổ chức thành công Hội nghị chăn nuôi Á Úc (AAAP) lần thứ 21 năm 2026 tại Việt Nam.
Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Dương về cuộc phỏng vấn này.
Theo Nhà Chăn Nuôi
Viết bình luận