Câu chuyện

Chăn nuôi xanh

Chăn nuôi xanh
Việt Nam đang hướng đến một ngành nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, tích hợp đa giá trị. Ở đó, các yếu tố bền vững, tuần hoàn và “xanh” là những giá trị cốt lõi mà các lĩnh vực từ trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi cần phải hướng đến.

Việt Nam đang hướng đến Nông nghiệp “Xanh” là xu thế tất yếu

 

Tại “Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam” diễn ra vào cuối năm 2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, “Nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa – rươi – cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia”, Thủ tướng đưa ra dẫn chứng.

Mô hình sản xuất của nông dân ở trên nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản nhưng có đầy đủ các yếu tố của nông nghiệp xanh: Các đối tượng cây trồng, vật nuôi liên kết chặt chẽ với nhau, cuối cùng tạo ra sản phẩm vừa “sạch” lại giúp môi trường “xanh” và sản xuất canh tác bền vững hơn.

Sản xuất xanh hay nông nghiệp xanh không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và còn là “lực đẩy” để các sản phẩm xanh – sạch của Việt Nam xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm cả những quốc gia có tiêu chuẩn cao như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… là một minh chứng rõ rệt cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất xanh. Đối với cây lúa, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều giải pháp như đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển; ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân hay mô hình lúa gạo carbon thấp. Với thủy sản, mô hình “tôm – lúa”, “cá – lúa”, nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn,… đã và đang mang lại hiệu quả và giá trị lớn, thiết thực.

Đối với ngành chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, vừa giảm tác hại đến môi trường. Đặc biệt, Chương trình khí sinh học tại Việt Nam là một dự án rất thành công, được quốc tế đánh giá cao.

Dự án khí sinh học như “luồng gió mới” thổi vào ngành chăn nuôi, góp phần giảm phát thải, giúp ngành chăn nuôi thân thiện với môi trường.

Cần “Xanh” hóa ngành chăn nuôi

Việt Nam là nước có ngành chăn nuôi phát triển, đứng thứ 5 thế giới về chăn nuôi lợn, đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lại là ngành gây phát thải lớn trong nông nghiệp. Ước tính trung bình mỗi năm, các loại vật nuôi chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) phát thải 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải. Nếu không được kiểm soát tốt, đây sẽ là nguồn phát thải hơn 15 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm. Do đó, để “xanh” hóa ngành chăn nuôi trước tiên phải giải quyết được vấn đề về phát thải hay nói cách khác chính là chất thải trong quá trình sản xuất, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần áp dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại, chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, “Sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi”.

Cần kiểm soát tốt chuỗi sản xuất: Kiểm soát kháng sinh, quy trình chăn nuôi, chất lượng nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ đầu ra, để vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, vừa bảo vệ và thân thiện với môi trường. Hiện nay, đã có những doanh nghiệp áp dụng thành công như C.P. Việt Nam là một ví dụ. Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho biết, “C.P. Việt Nam không chỉ mang đến thực phẩm chất lượng cao, giàu giá trị dinh dưỡng, an toàn đến với người tiêu dùng mà luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh thái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững bằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển quốc gia xanh và bền vững”.

Định hướng về chăn nuôi xanh

Chia sẻ về định hướng phát triển xanh trong ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, “Sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các Bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình, kế hoạch rất đồng bộ”.

Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi, các Nghị định, các Thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt “Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; 04 đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ, phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030…

Thực tế cho thấy, một số lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp như trồng rừng, trồng lúa đã bán được tín chỉ carbon (một chứng nhận có thể giao dịch thương mại và quyền phát thải một lượng khí CO2) mang lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia chuỗi sản xuất. Đây chính là động lực để các ngành nghề, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào thị trường đầy lợi ích này. Phát thải chăn nuôi chiếm gần 20% phát thải của ngành nông nghiệp, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một bước để “xanh” hóa ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon ngành chăn nuôi còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, trong thời gian tới ngành chăn nuôi sẽ được đưa vào danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính cần phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cùng với các ngành khác như xây dựng, công thương, giao thông vận tải nếu được thông qua.

Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon, do đó, thời gian cho ngành chăn nuôi chuẩn bị cũng không còn nhiều. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.

Để chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững cũng như đồng hành cùng Chính phủ đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2025, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi đã có những thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề giảm phát thải trong sản xuất. Trong đó, Tập đoàn TH Truemilk, là thương hiệu hiện chiếm khoảng 45% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. Ngay từ những dự án đầu tiên, Tập đoàn TH Truemilk đã áp dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất; sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời) giúp tiết kiệm hàng chục ngàn kw điện mỗi tháng, giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường,…

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường thông qua việc trồng hàng triệu cây xanh hay xây dựng mô hình Trang trại xanh (Green farm), chính sách bao bì bền vững,… Công ty Cổ phần Chăn nuôi GREENFEED Việt Nam đã triển khai các sáng kiến biến chất thải chăn nuôi thành nguồn năng lượng sạch dưới dạng điện khí sinh học biogas và các dạng phân bón hữu cơ. Hoạt động này góp phần xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và cộng đồng địa phương. Đơn vị cũng triển khai điện mặt trời áp mái và chuyển sang sử dụng nhiên liệu biomass để vận hành lò hơi tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2022, tổng lượng giảm phát thải ước đạt hơn 11,639 tấn CO2, đạt tỷ lệ 12,8% so với cùng kỳ.

Khi các doanh nghiệp tập trung sản xuất xanh, thân thiện với môi trường thì những sản phẩm đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm tốt nhất. Những sản phẩm này sẽ đáp ứng được xu hướng tiêu dùng hiện nay là sử dụng các sản phẩm xanh, sạch. Đây là một trong những yêu cầu được đặt ra trong “Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050” của Việt Nam, là cầu nối cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm xanh, sạch cũng là tấm giấy thông hành để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, hy vọng sẽ tạo ra những mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu giá trị tỷ đô. Tất cả hy vọng ở một ngành Chăn nuôi Xanh.

Theo Nhà Chăn Nuôi

Đang xem: Chăn nuôi xanh

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng