Thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E, axit folic, sắt, kẽm, selen như cà rốt, cam, cá hồi giúp tăng cường đề kháng, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh dịp hè.
Sức đề kháng là cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như nắng nóng, khói bụi, ô nhiễm, ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, virus. Sức đề kháng càng mạnh thì khả năng miễn dịch của cơ thể càng tốt, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh vặt, truyền nhiễm, dị ứng, ung thư. Chế độ dinh dưỡng kém khoa học dễ dẫn đến rối loạn quá trình chuyển hóa. Điều này khiến hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo nên ăn uống khoa học, cân đối 4 nhóm dưỡng chất chính (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất) trong dịp hè. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, hỗ trợ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Thực phẩm giàu vitamin A gồm cá, thịt, sữa, trứng, cà rốt, khoai lang, dưa lưới, các loại rau lá xanh đậm. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, làm giảm số lượng phản ứng viêm, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa bệnh lý có liên quan đến viêm. Vitamin A tham gia vào quá trình tạo ra tế bào miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt, chanh, dâu tây, ớt chuông, cải xoăn, bông cải xanh. Vitamin C góp phần tăng cường sức đề kháng, nâng cao khả năng miễn dịch bằng cách hỗ trợ cho chức năng của nhiều tế bào khác nhau trong hệ miễn dịch. Loại vitamin này tham gia vào hàng rào biểu mô, phòng chống mầm bệnh, ngăn ngừa oxy hóa tế bào.
Thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, sữa, nước cam và ngũ cốc. Chúng giúp điều chỉnh canxi và phốt pho trong cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh cảm cúm và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Cơ thể có thể tự tổng hợp được vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thực phẩm giàu vitamin E như ngũ cốc nguyên hạt, dầu cá, các loại hạt, cải xanh, quả bơ, củ cải trắng. Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Loại vitamin này có thể tham gia vào khoảng 200 phản ứng sinh hóa, góp phần quan trọng trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thiếu vitamin E làm tăng nguy cơ dẫn đến suy giảm thị lực, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, thiếu máu, giảm trương lực cơ.
Thực phẩm giàu pyridoxine (còn gọi là vitamin B6) giúp chuyển hóa protein, đường và chất béo, hỗ trợ các phản ứng sinh hóa trong hệ thống miễn dịch. Thực phẩm giàu pyridoxine như ngũ cốc, thịt gà, cá hồi, cá ngừ, khoai tây, chuối.
Thực phẩm giàu axit folic (vitamin B9) có nhiều trong các loại đậu, rau lá xanh đậm, gan động vật. Chúng giúp cơ thể tăng cường sản xuất duy trì tế bào khỏe mạnh, góp phần củng cố hệ miễn dịch và hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương, trầm cảm, thiếu máu, đau cơ, mất ngủ.
Thực phẩm giàu sắt như thịt heo, bò, gà, cá mòi, hàu, sò, bông cải xanh, cải xoăn, các loại đậu. Sắt giúp cơ thể mang oxy đến các tế bào và tham gia vào hầu hết chức năng quan trọng của cơ thể như hoạt động trí não, tim mạch, tiêu hóa, hệ thống miễn dịch, điều hòa nhiệt độ cơ thể. Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi, uể oải, tim đập nhanh, da xanh xao hay thậm chí khó thở.
Thực phẩm giàu kẽm như hàu, cua, thịt nạc, đậu và các loại hạt. Kẽm có thể được tìm thấy tại tất cả tế bào trong cơ thể, tác dụng hỗ trợ hệ thống miễn dịch và chức năng trao đổi chất, tổng hợp protein. Kẽm còn tăng cường độ nhạy của vị giác, khứu giác, giúp con ăn ngon miệng hơn, hỗ trợ chữa lành vết thương.
Thực phẩm giàu selen chủ yếu có nguồn gốc từ động vật như hải sản, thịt và gan động vật, phô mai. Tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào trước sự tấn công của gốc tự do và tăng cường hệ thống miễn dịch. Người thiếu selen có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, suy tim, xơ gan, đột quỵ, ung thư.
Bác sĩ Trà Phương cho biết sức đề kháng khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Mọi người nên ngủ đủ giấc, uống đủ nước, thường xuyên vận động, tập luyện vừa sức, làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, hạn chế uống rượu bia. Không hút thuốc lá, tránh ăn thực phẩm bẩn hoặc không rõ nguồn gốc, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, giúp tăng cường sức đề kháng.
Tiêm chủng đầy đủ là phương pháp hiệu quả giúp cải thiện sức đề kháng. Vaccine đi vào cơ thể sẽ kích thích sản sinh các kháng thể đặc hiệu tự nhiên, chống lại các tác nhân gây bệnh tương ứng.
Ăn uống thiếu cân bằng, bổ sung dư thừa các loại vitamin và khoáng chất cũng gây rối loạn chuyển hóa, thậm chí dẫn đến một số bệnh nguy hiểm. Khám dinh dưỡng định kỳ, đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770 và xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC có thể xác định cơ thể đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin và khoáng chất phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng.
Theo VNE
Viết bình luận